“Tự thú”, “Đầu thú” theo quy định của BLTTHS năm 2015
Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017
(Kiemsat.vn) Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) ra đời đã có nhiều đổi mới. Trong đó, đáng lưu ý là những nội dung liên quan tới tinh thần nâng cao hơn việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hướng tới những quy định nhân đạo hơn với người phạm tội. Lần đầu tiên, bộ luật này đã quy định cụ thể về tình tiết "đầu thú" và "tự thú" để trên cơ sở đó có căn cứ áp dụng những nội dung có lợi hơn cho người phạm tội.
Ảnh - minh họa
Vì “đầu thú” và “tự thú” là hai trường hợp được quy định khác nhau nên có thể sẽ ảnh hưởng tới việc xem xét áp dụng nhiều chế định liên quan (như miễn trách nhiệm hình sự, đánh giá là tình tiết giảm nhẹ loại nào để có cơ sở quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, xem xét loại hình phạt…). Do đó, cần thiết phải hiểu và áp dụng chính xác, thống nhất để đảm bảo nguyên tắc pháp chế cũng như đảm bảo quyền lợi cao nhất cho bị can, bị cáo. Sau đây, tôi muốn đưa ra cùng trao đổi một số cách tiếp cận tình tiết “đầu thú”, “tự thú” theo tinh thần của đạo luật mới.
Điều 4 BLTTHS 2015 quy định:
“h. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
i. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.”
Tuy BLHS và BLTTHS 2015 đã tạm dừng hiệu lực thi hành nhưng theo tinh thần Nghị quyết 109 ngày 27/11/2015, Nghị quyết 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội, vẫn phải áp dụng những quy định có lợi của hai đạo luật này đối với bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án. Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự hiện hành không quy định cụ thể thế nào là “đầu thú” và “tự thú” nhưng Công văn số 81 ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao (Công văn 81) giải đáp các vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn:
““Tự thú” là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện. “Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…
Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.”
Về trường hợp này, hiện có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần áp dụng chính xác quy định tại Công văn 81. Theo đó, hai trường hợp này về cơ bản chỉ khác nhau ở chỗ: tự thú là chưa ai biết mình phạm tội, còn đầu thú là đã có người biết mình phạm tội. Nghĩa là, khi hành vi phạm tội của người phạm tội chưa bị phát hiện bởi bất kỳ ai mà họ trình diện và tự khai nhận thì mới được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự thú”. Những trường hợp còn lại, khi người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện, chỉ được xem xét áp dụng tình tiết “đầu thú”. Tính đến thời điểm hiện tại, việc áp dụng như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 4 BLTTHS 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng cần áp dụng linh động hơn tinh thần của Công văn 81. Vì nếu theo quan điểm thứ nhất, sẽ có những trường hợp còn bất cập, thiếu thống nhất trong thực tiễn hiểu và áp dụng như sau:
Thứ nhất, Công văn 81 quy định song song hai điều kiện “có người đã biết mình phạm tội” và “biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” để đánh giá là người phạm tội “đầu thú”. Như vậy, nếu sau khi bị phát hiện, người phạm tội có đủ điều kiện để trốn tránh được nhưng đã không trốn tránh mà đến cơ quan trình diện và thành khẩn khai rõ sự việc thì đánh giá ra sao? Trường hợp này, người phạm tội biết mình đã bị phát hiện nên không thể là “tự thú” nhưng lại không đủ điều kiện “biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” của tình tiết “đầu thú” như hướng dẫn tại Công văn 81.
Thứ hai, việc “bị phát hiện” đôi khi nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Bản thân họ có thể không nhận biết được hành vi phạm tội của mình đã bị phát hiện bởi ai khác chưa. Có trường hợp người phạm tội tin chắc chắn rằng người khác không thể biết việc mình phạm tội, có đủ điều kiện để bỏ trốn nhưng đã ra cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo. Nhưng khi trình diện thì sự việc đã bị người khác tình cờ chứng kiến hoặc phát hiện và trình báo cơ quan có thẩm quyền từ trước nên theo hướng dẫn trên, họ cũng không được đánh giá là “tự thú”.
Ví dụ, A biết rõ gia đình B đang đi du lịch dài ngày nên nửa đêm đã một mình đột nhập vào nhà B trộm cắp tài sản. Sau khi lấy được tài sản, A ra khỏi nhà, khóa cửa lại như bình thường để tránh bị người khác phát hiện. Trước khi gia đình B trở về, tuy tin chắc chắn rằng đến thời điểm đó chưa có ai phát hiện ra sự việc nhưng ăn năn về hành vi của mình, lo sợ sẽ bị xử lý trước pháp luật nên A ra trình diện, nộp lại đầy đủ tài sản và khai nhận toàn bộ sự việc. Khi đến cơ quan có thẩm quyền, A mới được biết là C – hàng xóm của B đã vô tình dùng điện thoại di động ghi hình được toàn bộ sự việc và trình báo cơ quan công an trước khi A ra trình diện. Cũng tương tự như ví dụ trên, D là người trộm cắp tài sản, sau khi thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, nghe người dân ở khu vực đó phản ánh về việc C đã cung cấp cho cơ quan chức năng tài liệu ghi lại rõ nét hình ảnh trộm cắp tài sản của D. Biết là đã bị phát hiện, không thể trốn tránh, D ra trình diện tại cơ quan công an và khai báo sự việc. Rõ ràng, trong 2 ví dụ này, ý thức của A và D là hoàn toàn khác nhau, A thể hiện sự tự nguyện trình diện và khai báo rất rõ nét, xét hoàn cảnh khách quan, việc A nhận thức rằng bản thân chưa thể bị phát hiện là hoàn toàn có cơ sở. Việc A bị C phát hiện là rất khó xảy ra và hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng theo hướng dẫn tại Công văn 81, A và D vẫn chỉ được áp dụng tình tiết “đầu thú” như nhau vì họ đã bị phát hiện trước khi ra trình diện. Như vậy, đã không phân hóa được người phạm tội trong trường hợp này và có phần nào đó chưa thể hiện được sự khuyến khích ý thức tự nguyện của A, gây bất lợi cho A (so với D).
Thứ ba, nên chăng đặt ra vấn đề “như thế nào là phát hiện được người phạm tội” và “ai là người phát hiện” để xem xét áp dụng tình tiết “tự thú”, “đầu thú”. Có quan điểm cho rằng “phát hiện được người phạm tội” chỉ cần là người khác nhìn thấy con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể nhưng quan điểm thứ hại lại nhận định trường hợp này phải là biết rõ lai lịch, địa chỉ của người phạm tội. Về vấn đề “ai là người phát hiện”, theo luồng ý kiến thứ nhất, người phát hiện ra sự việc phạm tội và người phạm tội có thể là bất kỳ ai nhưng theo luồng ý kiến thứ hai, pháp luật chỉ quy định là “người phát hiện” chứ không phải “người biết sự việc” nên cần loại trừ đồng phạm hoặc những đối tượng khác cùng tham gia vụ án.
Ví dụ, do có mâu thuẫn trong sinh hoạt, nhóm của A, B, C xảy ra cãi vã với D. Sau khi được can ngăn, B và C đã đi ra chỗ khác, A dùng dao đâm vào đùi D gây thương tích. Khi D chạy đến chỗ của B, C, hai người này không biết A đã dùng dao đâm D nhưng đã tham gia vật lộn và đuổi theo để đánh D. Thấy D chạy được một đoạn thì gục ngã nên tuy chưa đánh được D nhưng B, C bỏ đi. Hậu quả, D chết do thương tích mà A dùng dao gây ra. Sau khi xảy ra sự việc khoảng 2 tiếng đồng hồ, B và C đã đến cơ quan công an trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi của bản thân và A. A bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích, B và C bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng.
Theo quan điểm thứ nhất, vụ việc gần như trường hợp phạm tội quả tang, có nhiều người chứng kiến, ngoài bản thân người phạm tội, luôn có 02 người khác cùng tham gia vụ án đó biết rõ căn cước lai lịch cũng như hành vi phạm tội của họ. Nên cần đánh giá đó là trường hợp “có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” theo hướng dẫn tại Công văn 81 để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “đầu thú” quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng, nên đánh giá người phạm tội phải bị phát hiện bởi người khác tức là người làm chứng, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng… chứ không là đồng phạm hoặc bị can khác trong vụ án. Trong vụ án này, tại nơi xảy ra vụ việc, không ai biết rõ căn cước lai lịch của A, B, C cho đến khi B, C đến cơ quan công an trình diện và khai báo. Với điều kiện về khoa học kỹ thuật hình sự và nguồn nhân lực phục vụ công tác điều tra như hiện nay, trong cả hai ví dụ nêu trên, nếu các đối tượng không tự nguyện ra trình diện và khai báo sớm, nhất là trường hợp các đối tượng ở nơi xa đến, không quen biết ai tại nơi xảy ra sự việc, sẽ rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định danh tính của người đã thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến cơ hội làm sáng tỏ vụ án là rất thấp. Nếu cho rằng, trước khi người phạm tội trình diện và tự khai báo về hành vi của mình, họ đã bị phát hiện bởi bất kỳ ai (bao gồm cả đồng phạm hoặc bị can khác) sẽ không được đánh giá là “tự thú” thì sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Đó là cùng những vụ việc có tính chất tương tự nhưng nếu chỉ có 01 người tham gia, sau đó ra trình diện khai báo với cơ quan có thẩm quyền thì được đánh giá là “tự thú” còn nếu có nhiều người tham gia, cho dù là đồng phạm giản đơn, chỉ bột phát phạm tội thì dẫu có trình diện ngay và khai báo thành khẩn đến đâu, cũng vẫn chỉ coi là “đầu thú”.
Với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, nên chăng, cần xem xét và đánh giá trường hợp người phạm tội tự nguyện trình diện và khai báo về hành vi phạm tội của mình trước khi có người khác phát hiện (trừ đồng phạm, bị can khác trong vụ án) và mức độ người khác “phát hiện được” phải là biết rõ căn cước, lai lịch của người phạm tội để được hưởng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” theo quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS. Như vậy, vừa không trái với tinh thần của BLTTHS 2015 mà còn thể hiện cao nhất chính sách hình sự nhân đạo, sự khoan hồng của Nhà nước, khuyến khích người phạm tội (đặc biệt là vụ án có đồng phạm, có nhiều bị can tham gia) tự nguyện trình diện và khai báo góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, từ góc độ nhìn nhận những vướng mắc trong áp dụng tình tiết “đầu thú” và “tự thú” như đã phân tích ở trên, cần kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách hiểu hai trường hợp này để làm rõ:
– Trường hợp sau khi bị phát hiện, người phạm tội có đủ điều kiện để trốn tránh được nhưng đã không trốn tránh mà đến cơ quan trình diện và thành khẩn khai rõ sự việc thì đánh giá là gì?
– Nếu người phạm tội tin chắc chắn rằng không thể có người khác biết việc mình phạm tội (trường hợp nhận thức đó là có cơ sở như ví dụ nêu trên), có đủ điều kiện để bỏ trốn nhưng đã nhanh chóng ra cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo. Khi trình diện mới biết sự việc đã bị người khác tình cờ chứng kiến hoặc phát hiện và trình báo cơ quan có thẩm quyền từ trước. Trường hợp này có được xem xét hoàn cảnh cụ thể đó và khuyến khích ý thức tự giác chấp hành của người phạm tội để cho họ hưởng quy định có lợi hơn (áp dụng tình tiết “tự thú”) không?
– Hướng dẫn cụ thể như thế nào là “bị phát hiện” (ai là người phát hiện – có loại trừ đồng phạm, bị can khác trong vụ án hoặc người thân thích không?; mức độ “phát hiện” có phải là biết rõ hoặc có thông tin tương đối cụ thể, xác thực về căn cước, lai lịch người phạm tội không?).
Tóm lại, theo tôi hiểu, ý nghĩa lớn nhất của việc quy định phân biệt tình tiết “đầu thú”, “tự thú” chính là để đánh giá mức độ ý thức tự nguyện của người phạm tội, trên cơ sở đó xem xét áp những chính sách hình sự thỏa đáng cho từng trường hợp. Do đó, theo tôi, cũng có thể xem xét dấu hiệu quan trọng để phân biệt hai tình tiết này chính là việc người phạm tội còn có thể trốn tránh được hay không. Khi người phạm tội đã bị xác định rõ danh tính (bởi những người không phải là đồng phạm, bị can khác trong cùng vụ án), không thể trốn tránh được mà ra trình diện và khai báo thì nên đánh giá là “đầu thú”. Còn khi người phạm tội chưa bị xác định rõ căn cước, lai lịch, còn có thể trốn thoát nhưng đã lựa chọn cách ra trình diện và khai báo thì cần khuyến khích tinh thần tự nguyện này của họ để xem xét đánh giá là “tự thú”.
Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức và cụ thể hơn, theo quan điểm của cá nhân tôi, nên xem xét áp dụng một cách linh hoạt hướng dẫn của Công văn 81 về “đầu thú” và “tự thú”. Theo đó, cần xem xét cụ thể hoàn cảnh, điều kiện, đặc biệt là ý thức của người ra trình diện và khai báo, nếu thể hiện đúng tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tích cực của người phạm tội, giúp cho việc điều tra, làm rõ vụ án đạt được những hiệu quả đột phá thì có thể áp dụng quy định có lợi hơn cho họ. Xét đến cùng, khoa học pháp lý vẫn không phải là khoa học tự nhiên nên không có công thức và kết quả chính xác cho mọi trường hợp. Việc vận dụng linh hoạt để không trái những nguyên tắc cơ bản mà vẫn có lợi cho người phạm tội sẽ góp phần đạt được mục đích cuối cùng là cải tạo, giáo dục, cho họ có thêm cơ hội hoàn lương.
Trên thực tiễn, Công văn 81 vẫn đang có hiệu lực thi hành và cần phải được tuân thủ nghiêm để áp dụng tình tiết giảm nhẹ tự thú, đầu thú. Tuy nhiên, từ góc độ học thuật, cũng là trăn trở của cá nhân người viết khi tiếp cận theo hướng phản biện, tôi muốn đưa ra cùng trao đổi để có cách nhìn đa chiều hơn về vấn đề này. Rất mong nhận được hướng dẫn cũng như ý kiến trao đổi của các đồng chí để tôi có thể hoàn thiện hơn nhận thức của mình.
Nguồn: Kiemsat.vn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét