DỪNG XE VÀ XỬ PHẠT – THẨM QUYỀN THUỘC VỀ AI ?
Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014
(Luật Trung Nguyễn) - Dừng xe, kiểm tra và xử phạt người vi phạm giao thông đường bộ - một vấn đề “nóng” của sự vi phạm, nhưng nó không chỉ đến từ người tham gia giao thông mà cả lực lượng thực thi pháp luật. Vậy họ là ai ? Họ có quyền gì ? Và điều kiện thực hiện quyền đó như thế nào?
Trong đời sống thường nhật, hầu hết mọi người đều tham gia lưu thông trên đường nhằm phục vụ cho sinh hoạt, học tập, công việc,… và chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật về giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, một lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống dân sinh của mọi người dân. Đây cũng là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, theo dõi sát sao vì mục tiêu “An toàn là bạn, tại nạn là thù”. Bởi vậy, trong thời gian gần đây, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành cùng với đó là một lực lượng đông đảo bao gồm Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an xã, phường, lực lượng dân phòng,…góp phần duy trì, bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật, đảm bảo tính giáo dục, răn đe người vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng đông đảo này không phải ai cũng có quyền được phép dừng xe, kiểm tra và xử phạt người vi phạm giao thông. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này?
Trước hết, đó là lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ: Theo quy định hiện nay thì Cảnh sát giao thông đường bộ là lực chính có thẩm quyền dừng phương tiện giao thông và xử phạt vi phạm. Điều này được quy định tại Điều 87, Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ”.
(Hình ảnh - minh họa)
Cụ thể, Cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012). Bên cạnh đó, theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 và Thông tư số 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 của Bộ Công an, khi thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Song người có thẩm quyền kiểm soát phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ và xuất trình khi có yêu cầu đồng thời phải đeo biển hiệu (thẻ xanh) khi làm nhiệm vụ.
Ngoài Cảnh sát giao thông đường bộ còn một số lực lượng khác cũng có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ bao gồm:
Thanh tra giao thông: Theo thông tư 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của thanh tra đường bộ thì thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, vi phạm Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, đình chỉ hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi phát hiện có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ.
(Hình ảnh - minh họa)
Các lực lượng khác: Theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 24/3/2010 thì: Các lực lượng có thể được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng Cảnh sát khác (gồm: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát bảo vệ, và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
(Hình ảnh - minh họa)
Tuy nhiên, việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động. Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Khi không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, tại các thành phố lớn như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn có Tổ công tác liên ngành 141, gồm: Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, và Cảnh sát hình sự, được thành lập với nhiệm vụ chính là tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, vì vậy, tổ công tác 141 cũng có quyền được phép dừng xe và xử phạt người vi phạm giao thông.
Như vậy, những lực lượng có thẩm quyền được quy định với điều kiện cụ thể như vừa nêu trên mới được quyền dừng xe để kiểm tra và xử lý vi phạm giao thông, nhưng trong thực tiễn, có nhiều lực lượng khác như lực lượng dân phòng, bảo vệ tổ dân phố,.. đang ngày càng đông hơn về số lượng và sự hiện diện của các lực lượng này trên đường phố thật sự là quá nhiều, dày đặc. Thậm chí có nơi, từ vai trò phụ tá, hỗ trợ công an, nay dân phòng đang trở thành lực lượng chính, can thiệp sâu vào nhiều vấn đề dân sự, dân sinh trên đường phố.
(Hình ảnh - minh họa)
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố thì lực lượng dân phòng cùng với lực lượng bảo vệ dân phố chỉ có trách nhiệm phối hợp nhằm bảo vệ an ninh, trật tự theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân và Công an phường (khoản 6 Điều 5, Nghị định 38/2006/NĐ-CP) mà không được quyền được dừng xe và xử phạt người vi phạm giao thông. Nhưng hiện nay, tình trạng vượt quyền, lạm quyền của lực lượng dân phòng, bảo vệ tổ dân phố đang là một thực tế đáng báo động, cần sớm được chấn chỉnh để tránh những hậu quả và nguy cơ xung đột không đáng có giữa lực lượng này với người dân.
-------------------------------------------
Nguyễn Đức Tùng
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét