Hình phạt tử hình - nên hay không?
Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014
Xét về góc độ xã hội, liệu tử
hình người phạm tội có phải là bù đắp được những mất mát của gia đình nạn hay
không? Khi người phạm tội bị hành quyết, gia đình nạn nhân có thực sự được xoa
dịu nỗi đau và cảm thấy “nguôi ngoai” hay lại gây thêm nỗi đau cho một gia
đình khác?...
Không
phải ngẫu nhiên mà càng ngày càng có nhiều nước tuyên bố bãi bỏ hình phạt “tử hình”, có nhiều tranh luận gay gắt về
việc có nên bỏ hình phạt này hay không bởi vì đây là chế tài hình sự nghiêm khắc
nhất, tàn khốc nhất và nó liên quan trực tiếp đến quyền được sống của con người.
Hình
phạt tử hình có thể được hiểu là việc tước bỏ tính mạng của con người theo một
bản án được tuyên bởi Tòa án được lập ra một cách hợp pháp, nhằm trừng phạt người
nào đó vì đã phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng. Đây là một trong những hình phạt
có lịch sử lâu đời và nghiêm khắc nhất trong luật Hình sự. Chúng ta được biết tới
nhiều rất nhiều cách tử hình khác nhau từ xưa đến nay trên thế giới như: xử bắn,
đóng đinh, chặt đầu, chôn sống, ném đá, voi giày, tùng xẻo, lột da... hay một
cách thức mới được áp dụng tại Việt Nam hiện nay là “tiêm thuốc độc”.
(Ảnh sưu tầm)
Từ xa xưa, ông cha ta đã có quan niệm
“giết người đền mạng”, “ăn miếng trả miếng” hay “nợ máu trả bằng máu”... có lẽ bởi thế
nên hình phạt tử hình được coi là một hình phạt thích đáng đối với người phạm tội.
Những quan niệm này đã ăn sâu vào tâm thức của người dân và chính bởi thế nếu
muốn bỏ đi hình phạt tử hình là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đó có phải là
một hành động “trả thù” hay không?
Cũng có người cho rằng, “tử hình” là
một biện pháp răn đe có hiệu quả. Nhưng theo nghiên cứu của nhà tội phạm học
Thorsten Sellin và nhiều nhà nghiên cứu khoa học khác, hình phạt này không có
tác dụng ngăn chặn tội phạm hơn so với hình phạt tù chung thân. Thực tế, chúng
ta cũng thấy, không phải ai khi thực hiện hành vi phạm tội của mình cũng nghĩ đến
hậu quả của hành vi đó và trách nhiệm mình phải chịu sau đấy như thế nào. Như ở
một số tội danh xâm phạm đến an ninh quốc gia (khủng bố, bạo loạn nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân...), việc tử hình những tội phạm này thậm chí còn gây nên
một tâm lý cực đoan, kích động đối với đồng bọn, thúc đẩy hành động “liều chết”,
hay “tử vì đạo”.
Xét về góc độ xã hội, liệu việc tử
hình người phạm tội có phải là bù đắp được những mất mát của gia đình nạn hay
không? Khi người phạm tội bị hành quyết, gia đình nạn nhân có thực sự được xoa
dịu nỗi đau và cảm thấy “nguôi ngoai” hay là lại gây thêm nỗi đau cho một gia
đình khác? Tâm lý kích động khi mất đi người thân
là điều dễ hiểu, dễ có thể cảm thông, nhưng việc “tử hình” một người cũng không
thể thay đổi được hậu quả mà hắn đã gây ra. Thay vào đó, việc tha thứ vào sẻ
chia sẽ đem lại một kết quả tích cực hơn nhiều. Nó có thể khiến cho người phạm
tội phải sống trong một nỗi dằn vặt, day dứt và thấm thía được hậu quả của việc
mình đã là mà cải tạo, sống lương thiện, sống có ích cho xã hội.
Một vấn đề khác mà chắc hẳn tất cả mọi
người đều biết, đó là khi đã thực hiện rồi thì không thể khắc phục được nếu có
sai sót. Trong khi đó, không có một tòa án nào có thể khẳng định rằng mình đã,
đang và sẽ không mắc một sai lầm nào cả. Khi nói đến những vụ “tử hình oan” chấn
động nước Mỹ, chúng ta không thể bỏ qua vụ án Cameron Todd Willingham. Willingham
bị hành quyết năm 2004 vì tội cố tình giết hại 3 con gái bằng cách đốt căn nhà
của gia đình ở Corsicana , Texas . Các điều tra viên hiện trường thời điểm
bấy giờ khẳng định, hung thủ cố tình gây ra đám cháy thiêu rụi căn nhà. Tuy
nhiên, Willingham một mực khẳng định mình vô tội và yêu cầu mở lại vụ án trong
nhiều năm nhưng không được chấp thuận. Đến năm 2009, khi viện khoa học pháp y Texas quyết định xem xét
lại chứng cứ vụ án. Viện đã khẳng định, các điều tra viên đã đánh giá sai vụ án
trong khi lực lượng cứu hỏa Corsicana
cẩu thả trong quá trình thu thập chứng cứ.
Hay ngay ở Việt Nam , một vụ
“oan sai” gây sóng gió dư luận trong thời gian vừa qua của ông Nguyễn Thanh Chấn
đã cho thấy việc khắc phục hậu quả của những sai sót khi kết án một người là vô
cùng khó khăn. May mắn đã dừng lại ở chỗ ông Chấn mới chỉ bị kết án tù chung
thân, vậy nếu xảy ra trường hợp “tử hình oan”, khi mà tính mạng của người bị kết
án oan đã không còn, khi mà quyền được sống của một con người đã bị xâm phạm
nghiêm trọng thì những “người” làm sai phải khắc phục như thế nào?
Mới đây, Nguyễn Đức Nghĩa (sinh năm 1984, ở phường Lãm Hà, Kiến An, TP.
Hải Phòng), hung thủ trong vụ án giết người, chặt đầu, chặt tay, phi tang
gây chấn động dư luận trong một thời gian dài, đã bị tử hình bằng hình thức
tiêm thuốc độc tại trại tạm giam số 1 (Hà Nội) vào chiều ngày 22/7/2014. Vụ án này
xảy ra cách đây hơn 4 năm, Nguyễn Đức Nghĩa bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại
Hà Nội tuyên án tử hình vào tháng 11/2010 về tội Giết người, cướp tài sản vì cho
rằng tội ác của Nghĩa là quá man rợ và cần phải có bản án đích đáng. Khi biết về
thông tin này, tôi chắc rằng sẽ không có mấy ai cảm thấy “vui” được, mà sẽ thấy
xót xa cho một người trẻ tuổi trót lầm lỡ nhiều hơn. Cô gái là nạn nhân của vụ
án này và cả Nghĩa cũng đã đi rồi, nhưng tổn thất nặng nề nhất vẫn còn trong những
người ở lại. Thiết nghĩ, vậy tại sao xã hội và pháp luật không nên mở lòng ra để
cho họ thêm một cơ hội được sửa sai và làm lại?
Hiện nay, đã có 105 quốc gia (2/3 các
quốc gia trên thế giới) đã bãi bỏ án tử hình, trong đó 38 nước không áp dụng
hình thức này hơn 10 năm qua. Chỉ có 58 nước vẫn áp dụng án tử hình trong 10
năm qua. Những nước ấy không có tỉ lệ tội phạm cao hơn các nước khác, thậm chí
là ngược lại. Theo Raphaël Chenuil-Hazan (Giám
đốc ECPM) thì “cái vòng luẩn quẩn của
bạo lực là bạo lực” và tử hình không bao giờ ngăn chặn được tội ác. Việc bỏ
hình phạt tử hình không những nhằm bảo đảm quyền được sống – quyền thiêng liêng
của con người, thể hiện được tính nhân đạo, giáo dục cao của Nhà nước đối với
những người phạm tội mà còn phù hợp với xu thế chung thế giới.
------------------------------------------
Hồng Phương
Công ty Luật Trung Nguyễn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét