Bạo lực gia đình
Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014
PNTĐ - Bạo lực trong gia đình, mối quan ngại bấy lâu nay vẫn xảy
ra trong nhiều gia đình mà ở đó những người phụ nữ đã âm thầm chịu đựng để cố níu
giữ hạnh phúc gia đình hoặc không muốn vạch áo cho người xem lưng …
Phóng viên
Báo Phụ nữ thủ đô đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Trung - giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn, dưới góc
nhìn của chuyên gia pháp lý.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung |
PV: Xin Luật sư cho biết việc người chồng bạo hành,
đánh, giết vợ phạm là vi phạm vào những luật nào, điều nào?
LS Trung: Người chồng bạo hành, đánh, giết vợ tùy theo tính chất hành vi, mức độ
thiệt hại mà người chồng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số
110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999.
PV: Luật sư có thể nói rõ hơn về mức xử phạt
khi gây tổn thất nhẹ (về thể xác, tinh thần)?
LS Trung: Nếu
người chồng hành hung, đánh vợ gây tổn thất nhẹ về thể xác, tinh thần cho người
vợ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 9 (Hành vi đánh đập hoặc
hành vi khác xâm hại sức khỏe thành viên gia đình) hoặc Điều 10 (Hành vi hành hạ,
ngược đãi thành viên gia đình) Nghị định
110/2009.
Theo quy định
tại 2 điều trên, mức xử phạt tùy theo mức độ có thể bị phạt mức phạt từ
1.000.000 đến 1.500.000 hoặc từ 1.500.000 đến 2.000.000.
Trong trường
hợp trước đó người chồng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh
đập vợ thì người chồng có thể phạm vào tội ngược đãi vợ theo quy định tại điều
151 Bộ luật hình sự 1999.
PV: Luật sư vui lòng cho biết thêm trường hợp gây
tổn thất nặng thì sẽ bị xử lý như thế nào?
LS Trung: Trường hợp người chồng
đánh, đập vợ gây tổn thất nặng, tùy theo mức độ người chồng có thể bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về những tội sau:
Hành vi
ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi,
hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về
tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.
Trong trường
hợp hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý, nếu dẫn đến chết
ngườì thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây chết người (Điều 98
BLHS).
Trong trường
hợp thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý thì tùy
trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của
Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác hoặc Điều 93 BLHS về tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự
sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 100
BLHS.
PV: Lời khuyên của
luật sư đối với chị em muốn ly hôn mà bị chồng ngăn cản bằng bạo lực?
LS Trung: Trước tiên, chị em thường xuyên phải chịu bạo lực gia đình nên tìm biện
pháp để bảo vệ mình trước. Hãy viết đơn tố cáo hành vi của chồng gửi đến các cơ
quan chức năng. Theo quy định thì các cơ quan có
thẩm quyền giải quyết gồm cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy
ra bạo lực gia đình. Vì vậy nạn nhân hoặc bất kỳ người nào phát hiện ra hành vi
bạo lực gia đình này đều có quyền tố cáo người vi phạm đến các cơ quan nêu
trên. Ngoài ra, người bị bạo lực gia
đình có thể đề nghị các cơ quan ban ngành giúp đỡ
như Hội phụ nữ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc địa phương. Trong đơn phải nêu các tình
tiết chi tiết, cụ thể mang tính thực tế, các dẫn chứng về việc bạo hành, ngày
tháng cụ thể, hành động như thế nào, gây hậu quả gì, có ai chứng kiến hoặc biết,
đã báo địa phương chưa, ai làm chứng, người đó đã bị xử lý hành chính chưa? Kèm theo là các chứng cứ như: hình ảnh, giấy tờ điều
trị thương tích, biên bản giải quyết vụ việc, lời khai nhân chứng, các hung khí
dùng để bạo hành...
Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về Quyền
và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì nạn nhân bạo lực gia đình có các
quyền sau đây:
“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo
vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện
pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm
lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, nạn nhân của bạo
hành gia đình có thể nhờ đến sự trợ giúp của các cơ sở bảo trợ xã hội để tìm
nơi tạm lánh; Nếu tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng,
sức khoẻ thì người vợ có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân hoặc Toà án nơi vợ chồng
cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với người chồng.
Sau khi đã
đảm bảo an toàn sức khỏe, thân thể của bản thân thì nạn nhân có thể viết đơn
xin ly hôn gửi đến Tòa án cấp có thẩm quyền.
Việc người chồng bạo hành người vợ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng
là lý do chính đáng để người vợ làm đơn
xin ly hôn và là cơ sở khi
Tòa án chấp nhận xử cho
ly hôn. Trong trường hợp này có thể Tòa án sẽ giải quyết
cho ly hôn theo yêu cầu 1 bên nếu hòa giải không thành. Khi nộp đơn khởi kiện cần
mang theo: Đăng kí kết hôn (bản chính), CMND, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh của con (nếu có con chung).
Trong đơn nêu
rõ mọi vấn đề để tòa xem xét.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
----------------------------------------------------------------------------------------------
Luật sư Nguyễn Tiến Trung
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Đ/c: số 118, phố Yên Lãng (phố cũ Thái Thịnh
2),
Đống Đa, Hà Nội
Email: trungnguyenluat@gmail.com / mobile:
0989.080767
Web: luattrungnguyen.vn
Theo Báo Phụ nữ thủ đô
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét