Pháp luật về đáo nợ ngân hàng
Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014
Một trong những hình thức biến những khoản nợ cũ
khi đến hạn nhưng bên vay chưa hoặc tạm thời không thanh toán được thành những
khoản nợ mới để lại bắt đầu một chu kỳ vay với một thời hạn mới. Hiện tượng này
được gọi với cái tên là đảo nợ. Với hình thức này ngân hàng vừa có thể thu về
được khoản tiền lãi suất của bên vay, vừa tránh được cái gọi là “nợ xấu”, còn bên vay thì tiếp tục được
kéo dài thời hạn với khoản tiền vay Vậy đảo nợ là gì, những quy định của pháp
luật về vấn đề này ra sao. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những phân tích cụ thể hơn.
(Ảnh sưu tầm) |
Dưới góc độ pháp lý thì đảo nợ mặc dù chưa có
văn bản nào trong lĩnh vực ngân hàng quy định cụ thể, nhưng nó được nhắc đến
trong một số văn bản của Nhà nước liên quan đến chính sách cho vay như tại khoản
4 Điều 54 Luật các tổ chức tín dụng 1997 có ghi: “Tổ chức tín dụng được miễn, giảm lãi suất, phí; gia hạn nợ; mua bán nợ
theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định
của Chính phủ”. Tiếp theo đó tại điểm g khoản 1 Điều 25 về quyền và nghĩa vụ
của tổ chức tín dụng tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống
đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối
với khách hàng có quy định rõ: “…mua bán
nợ theo quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam và thực hiện việc đảo nợ,
khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam”. Cũng tại quyết định này thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng một
lần khẳng định cho phép việc đảo nợ, và đây không bị coi là một trong những trường
hợp tổ chức tín dụng không được cho vay các nhu cầu vốn, cụ thể tại khoản 2 Điều
9 có ghi rõ: “Việc đảo nợ, các tổ chức
tín dụng thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Như vậy, có thể nói việc việc đảo nợ là một hoạt
động mà các tổ chức tín dụng được phép thực hiện, nhưng do đây là một trường hợp
đặc biệt nên quá trình thực hiện phải theo đúng các quy định riêng của Ngân
hàng Nhà nước, trong trường hơp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo
quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 về vi phạm cho vay tại Nghị định số
202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 - Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng:
“[...]
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với một trong những
hành vi sau:
...
c) Miễn
giảm lãi suất; gia hạn nợ gốc hoặc lãi, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi; đảo
nợ không theo quy định của pháp luật”.
Đến năm 2011, Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị
01/CT-NHNN ngày 01/3/2011 yêu cầu các ngân hàng không được thực hiện các nghiệp
vụ nhằm che giấu nợ xấu như cho vay để trả nợ cũ, cho vay để thanh toán các khoản
nợ vay không có hiệu quả của các ngân hàng khác. Tiếp đó đến năm 2012 thì quan
điểm về việc không cho tổ chức tín dụng cho vay mới để trả nợ cũ nhằm che giấu
nợ xấu được giữ nguyên qua Công văn số 3739/NHNN-CSTT ngày 20/6/2012 về việc thực
hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị
quyết số 13/NQ-CP, theo đó tổ chức tín dụng không được cho vay mới để trả nợ cũ
với mục đích che giấu nợ xấu. Gần đây nhất tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày
15/01/2014 chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính
sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014 mặc dù
cho các tổ chức tín dụng tự chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu
nhưng vẫn tiếp tục nghiêm cấm việc thực hiện cơ cấu lại nợ và các biện pháp
nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng.
Như vậy, có thể thấy hiện nay chưa có văn bản
nào quy định rõ ràng về vấn đề đảo nợ, ngay cả Luật các tổ chức tín dụng 2010
cũng không có quy định nào đề cập đến vấn đề này. Đảo nợ hiện nay chỉ được quy
định mang tính nguyên tắc trong các công văn, chỉ thị hay quyết định của Ngân
hàng Nhà nước, tức nó chỉ mang tính chất hướng dẫn, chỉ đạo trong nội bộ hoạt động
trong lĩnh vực ngân hàng. Về nguyên tắc thì Ngân hàng Nhà nước cấm các tổ chức
tín dụng cho vay để đảo nợ, nhưng lại được áp dụng trong công tác quản lý vay,
trả nợ nước ngoài của Chính phủ, điều này được thể hiện trong một loạt văn bản
như Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005, Luật quản lý nợ công 2009. Cụ thể
tại khoản 23 Điều 3 Luật quản lý nợ công có quy định:
“Cơ cấu lại danh mục nợ là việc thực hiện nghiệp vụ nhằm cơ cấu lại từng
khoản nợ trong danh mục nợ, bao gồm đảo nợ, chuyển đổi, mua bán lại nợ, hoán đổi
đồng tiền, lãi suất và các nghiệp vụ khác để giảm thiểu nghĩa vụ trả nợ, hạn chế
rủi ro”.
Có thể nhận thấy trước đây vấn đề đảo nợ đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện, mặc dù hiện nay hoạt
động này đã bị cấm, nhưng nó vẫn được phép thực hiện trong lĩnh vực công. Điều đó
có thể thấy không phải việc đảo nợ là hoàn toàn xấu, chỉ trong những trường hợp
nhất định khi nó bị biến tướng thì sẽ gây thất thoát tài sản, rối ren trong
công tác quản lý. Nếu như có những văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể, cũng như
cơ chế kiểm soát có hiệu quả về vấn đề này thiết nghĩ những mặt tích cực của hoạt
động đảo nợ sẽ giúp ích không chỉ cho các cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp
trong việc vay và sử dụng vốn vay, hạn chế những khoản lãi cao từ nợ quá hạn mà
còn giúp các ngân hàng có một giải pháp mới trong việc hạn chế nợ xấu, thu hồi
khoản nợ, một cơ hội mới trong hoạt động kinh doanh của mình.
--------------------------------------------------
TSLS - Vũ Quang Bá
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét