Những quy định mới về Chứng thực
Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014
(Luật Trung Nguyễn) - Luật Công chứng (sửa đổi) mở
rộng phạm vi hoạt động khi cho phép công chứng viên có quyền chứng thực bản sao
giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký. Công dân có quyền lựa chọn nộp bản sao có
chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực các giấy tờ, văn bản khi thực hiện
thủ tục hành chính là một trong những điểm mới về vấn đề chứng thực.
Tại
kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, trong sáng ngày 20/6/2014 Quốc hội đã chính
thức thông qua Luật công chứng (sửa đổi) với 90,16% đại biểu tán thành. Tại lần
sửa đổi này, Quốc hội đã nhất trí mở rộng phạm vi công chứng cho công viên.
Theo đó, công chứng viên sẽ có quyền chứng thực bản sao giấy tờ, văn bản, chứng
thực chữ ký cá nhân, khi mà công việc này chứng thực này trước kia chỉ có UBND
cấp xã, phường, và phòng tư pháp huyện mới có thẩm quyền chứng thực theo Nghị
định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao
từ bản chính, chứng thực chữ ký.
(Ảnh - sưu tầm)
Chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã được giải thích tại khoản 5, 6
Điều 2 Nghị định 79/2007/NĐ-CP. Theo đó, chứng thực bản sao từ bản chính được
hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực
bản sao là đúng với bản chính; chứng thực chữ ký được hiểu là việc cơ quan nhà
nước có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người
đã yêu cầu chứng thực.Về mặt giá trị pháp lý Nghị định 79/2007/NĐ-CP cũng đã
nêu rõ, bản sao chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản
chính trong các giao dịch, chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người
yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người
ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
Tại
Luật công chứng (sửa đổi) lần này, Quốc hội đã nhất trí mở rộng phạm vi hoạt
động công chứng của công chứng viên, theo đó công chứng viên sẽ có thêm quyền
chứng thực bản sao giấy tờ, chứng thực chữ ký. Tại điểm c khoản 1 Điều 17 Luật
công chứng (sửa đổi) đã quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, trong đó:
“1. Công chứng viên có các quyền sau đây:
c) …được chứng thực bản sao
giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký cá nhân trong giấy tờ, văn bản liên quan
đến nội dung công chứng”.
(Ảnh - sưu tầm)
Theo
một số liệu thống kê của Chính phủ thì qua tổng kết công tác chứng thực từ năm
2007 đến năm 2014 cho thấy, mỗi năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên
toàn quốc đã thực hiện chứng thực hàng trăm triệu bản sao. Việc này không những
gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội mà con tạo nên áp lực,
quá tải đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác chứng thực. Với
việc mở rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên khi cho phép “chứng thực”,
khi mà công việc này trước đây chỉ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực
hiện sẽ khắc phục được những hạn chế nói trên, tạo thuận lợi cho người dân
trong việc sử dụng các bản sao chứng thực, chứng thực chữ ký, khi mà nhu cầu
của người dân trong vấn đề chứng thực ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, việc mở
rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên trong việc chứng thực cũng phù hợp
với chương trình cải cách thủ tục hành chính khi mà vấn đề đơn giản hóa thủ tục
hành chính đang được Nhà nước ta thực hiện theo chương trình tại Nghị quyết số
30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành chương trình tổng thể
cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đã ban hành. Như vậy, hiện
nay người dân sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc chứng thực bản sao các giấy tờ,
chứng thực chữ ký khi mà có thể lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, phòng
tư pháp quận, huyện để thực hiện việc chứng thực theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP,
hoặc ra văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng nhà nước để thực hiện việc
này.
Như
đã trình bày ở trên, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử
dụng thay cho bản chính, do đó phần nào đã tạo thuận lợi cho người dân, tạo sự
yên tâm cho cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Theo
quy định tại Điều 6 Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản
sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu
xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp phải xuất trình bản chính để đối
chiếu khi cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao mà không có chứng thực. Tuy nhiên,
trên thực tế hiện nay khi cá nhân, tổ chức thực hiện một số thủ tục hành chính
vẫn phải nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản. Cá biệt, có những trường
hợp mặc dù đã xuất trình bản sao có chứng thực nhưng vẫn yêu cầu xuất trình bản
chính để đối chiếu. Sở dĩ có hiện tượng này là do quy định tại Điều 6 Nghị định
79/2007/NĐ-CP còn chưa thật cụ thể, rõ ràng trong việc xác định về quyền của cá
nhân, tổ chức có thể lựa chọn việc nộp bản sao giấy tờ, văn bản có chứng thực hay
không có chứng thực. Hơn nữa, cũng một phần do tình trạng sách nhiễu, cửa quyền
hay tâm lý ngại đối chiếu, vì sợ trách nhiệm mà người tiếp nhận, giải quyết không
trực tiếp tự mình tiếp nhận bản sao để tự đối chiếu với bản chính. Việc này
không những gây phiền hà, khó khăn cho cá nhân, tổ chức khi làm các thủ tục
hành chính mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, khi mà tại Điều
6 Nghị định 79/2007/NĐ-CP đã có hướng dẫn, quy định cụ thể về vấn đề này.
(Ảnh - sưu tầm)
Để
khắc phục tình trạng này, tạo thuận lợi hơn cho người dân cũng như tránh tình
trạng “lạm dụng” việc chứng thực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số
17/CT-TTg ngày 20/6/2014 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu
cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục
hành chính. Theo điểm a, điểm b khoản 1 có nêu rõ Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ
quan ngang bộ có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định
tại Điều 6 Nghị định 79/2007/NĐ-CP về quyền của các cá nhân, tổ chức khi trực
tiếp thực hiện thủ tục hành chính thì các giấy tờ trong thành phần hồ sơ có thể
là bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản
chính để đối chiếu. Chỉ thị cũng nếu rõ khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực
hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không
được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, trường hợp nộp bản sao không có
chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ
có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm
về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không được yêu cầu cá nhân,
tổ chức nộp bản sao có chứng thực.
Như vậy, có thể thấy hai quy định trên về vấn đề chứng
thực giấy tờ, văn bản một mặt tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện
việc chứng thực được dễ dàng và nhanh chóng, mặt khắc góp phần làm giảm áp lực
cho cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời giúp thống nhất trong việc áp dụng
quy định của pháp luật về thủ tục hành chính trong công tác chứng thực giấy tờ,
văn bản cho cá nhân, tổ chức.
-------------------------------------------------
TSLS - Vũ Quang Bá
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Rất hay nên làm
Trả lờiXóa