Home
» hinhsu
» kientung
» tintuc
» tuvanphapluat
» Những nội dung cơ bản của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Những nội dung cơ bản của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017
(Kiemsat.vn) - Ngày 25/11/2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tạm giữ, tạm giam (nội dung mới), cụ thể:
Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Luật đã quy định cụ thể về tất cả những quyền mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng, những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Trong đó, quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam “…được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình…” (điểm a khoản 1 Điều 9); “được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân” (điểm b khoản 1 Điều 9); “được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự” (điểm e khoản 1 Điều 9); “được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam” (điểm g khoản 1 Điều 9).
(Hình ảnh - vietnamnet)
Chế độ quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Luật này bổ sung mới 02 đối tượng trong 12 đối tượng được phân loại quản lý, bố trí theo khu: “Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ” (điểm l khoản 1 Điều 18) và “người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh” (điểm m khoản 1 Điều 18) và để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phân loại giam giữ đối với người đồng tính, người chuyển giới, Luật đã quy định: “Người đồng tính, người chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng” (điểm a khoản 4 Điều 18).
Chế độ thăm gặp:
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể hơn về số lần thăm gặp: “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng…” (khoản 1 Điều 22). Về thẩm quyền giải quyết thăm gặp, Luật quy định mới: “Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (khoản 2 Điều 22); “Trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý” (khoản 1 Điều 22). Đồng thời, Luật quy định cụ thể các trường hợp Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp, trong đó, có quy định mới về trường hợp không đồng ý cho thăm gặp: “Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên” (điểm g khoản 4 Điều 22).
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới về chế độ thăm gặp đối với người dưới 18 tuổi và người bị kết án tử hình; theo đó “người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, bị tạm giam là người đã thành niên (Điều 34). Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án do Giám thị trại tạm giam quyết định; đối với người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật này (khoản 2 Điều 37).
Kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Có quy định mới: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:…; cách ly ở buồng kỷ luật từ 01 đến 02 ngày và có thể bị gia hạn đến 02 ngày đối với người bị tạm giữ; cách ly ở buồng kỷ luật từ 03 đến 07 ngày và có thể bị gia hạn đến 10 ngày đối với người bị tạm giam… (điểm b khoản 1 Điều 23). Đồng thời, quy định cụ thể về trường hợp cùm 1 chân, hoặc không áp dụng cùm 1 chân. Trong 04 trường hợp Luật quy định không áp dụng cùm chân có 02 trường hợp quy định mới là người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên (khoản 3 Điều 23).
Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới về trường hợp: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội” (khoản 6 Điều 26).
Chế độ ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Theo quy định tại Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998, bình quân diện tích tối thiểu nơi giam, giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/1 người; đến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngoài việc quy định chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02m2, còn có các quy định riêng đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03m2 (khoản 1 Điều 35); người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bố trí giam giữ riêng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18” (khoản 2 Điều 33).
Chế độ ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng” (khoản 1 Điều 33).
Luật xây dựng điều luật riêng mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em. Trong đó, có những nội dung mới: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ… (khoản 1 Điều 35); cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng (khoản 2 Điều 35).
Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam
Để bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật đã quy định hệ thống tổ chức cơ quan quản lý và hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự quân khu, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh. Cơ quan thi hành gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam Công an tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, nhà tạm giữ Công an cấp huyện, nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; buồng tạm giữ của Đồn biên phòng (Điều 10, 11).
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam. Trong đó, có những điểm mới cơ bản về thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ do Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết: “…Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ…” của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (điểm d khoản 1 Điều 12); “Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ trong phạm vi tỉnh, quân khu…” của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu và thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu (điểm d khoản 2 Điều 12 và điểm a khoản 4 Điều 19); “Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi nhận (điểm b khoản 4 Điều 19); “Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định” (điểm c khoản 4 Điều 19); “Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận” (điểm d khoản 4 Điều 19).
Về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND
VKSND vừa có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam vừa có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã xây dựng điều luật riêng quy định về chức năng kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự” (Điều 6).
Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “(1) Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. (2) Khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, VKSND có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (a) Kiểm sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ; hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam; (b) Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam; (c) Yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội Biên phòng tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình thi hành tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam; (d) Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật; (đ) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật; (e) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật; (g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát (Điều 43): Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của VKSND trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam: Việc pháp điển hóa quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam xây dựng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Trong đó, quy định VKSND là cơ quan duy nhất có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.
Luật có chương riêng quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Chương IX), trong đó có 11 điều (các điều 46, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 59, 60 và Điều 61) liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam và 07 Điều (các điều 44, 45, 47, 48, 56, 57 và Điều 58) liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong trong việc chuyển tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Đặng Thị Mai Hương
VKSND tối cao.
Nguồn: TCKS số 5/2016
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét