Home
» tintuc
» Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao trong việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao trong việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017
VKSND cấp cao là một thiết chế kiểm sát mới, được thành lập theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao.
(Hình ảnh - vksndtc.gov.vn)
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao trong thủ tục giám đốc thẩm. Đồng thời cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao trong thủ tục giám đốc thẩm. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để VKSND cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và cấp huyện.
Theo quy định tại Chương XXV của BLTTHS năm 2015 thì VKSND có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây trong thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự: 1) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; 2) Tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm; 3) Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, phát biểu ý kiến của VKSND về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là quyết định của người có thẩm quyền đối với toàn bộ hay một phần bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật để yêu cầu Toà án có thẩm quyền xét lại. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là cơ sở phát sinh thủ tục giám đốc thẩm. Ngay từ khi hình thành chế định giám đốc thẩm hình sự, pháp luật đã quy định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của VKSND, qua các lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS, thẩm quyền này vẫn được khẳng định.
Theo quy định tại Điều 373 BLTTHS năm 2015, ở hệ thống cơ quan VKSND chỉ có Viện trưởng mới có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Điều luật nêu rõ, Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND cấp cao; đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác thì chỉ kháng nghị khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã bỏ thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và bỏ thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện. Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện được chuyển giao cho Viện trưởng VKSND cấp cao. Theo quy định này thì phần lớn kháng nghị giám đốc thẩm trong ngành Kiểm sát nhân dân thuộc về Viện trưởng VKSND cấp cao.
Viện trưởng VKSND cấp cao thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo quy định tại Điều 372 BLTTHS năm 2015 thì nguồn phát hiện căn cứ kháng nghị có thể xuất phát từ đơn đề nghị của người bị kết án, thông báo của cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân khác khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, thông qua công tác kiểm sát việc xét xử, kiểm sát bản án, VKSND cấp dưới phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Viện trưởng VKSND cấp cao. Đơn đề nghị của người bị kết án, thông báo của cơ quan, tổ chức và cá nhân, báo cáo đề nghị của VKSND cấp dưới là những nguồn cơ bản và quan trọng nhất để Viện trưởng VKSND cấp cao thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Ngoài ra, VKSND cấp cao có thể phát hiện căn cứ kháng nghị thông qua công tác kiểm sát bản án hoặc qua các nguồn thông tin khác như qua kiểm tra nghiệp vụ, qua các phương tiện thông tin đại chúng… Điều này có nghĩa là pháp luật không giới hạn nguồn phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trên cơ sở đơn đề nghị của người bị kết án, thông báo của cơ quan, tổ chức và cá nhân, báo cáo đề nghị của VKSND cấp dưới hoặc khi trực tiếp phát hiện căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, Viện trưởng VKSND cấp cao có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không. Do tính chất của thủ tục giám đốc thẩm là “xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật” để khắc phục những vi phạm nghiêm trọng trong các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, nên chỉ khi có đủ căn cứ cho rằng việc giải quyết vụ án trước đó là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì mới được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo quy định tại Điều 371 BLTTHS năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ sau: 1) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; 3) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bỏ căn cứ “việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ” (BLHS năm 2003), là phù hợp với thực tiễn vì việc xác định căn cứ này chủ yếu dựa trên đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền kháng nghị nên trong một số trường hợp sẽ không bảo đảm sự chính xác.
Đồng thời, Bộ luật này quy định rõ những “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử” phải “dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án” mới trở thành căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm; mở rộng căn cứ kháng nghị, không chỉ giới hạn ở “những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS” mà cả khi “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”, đây là những thay đổi hết sức cơ bản và quan trọng.
Về căn cứ “kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”: Các tình tiết khách quan của vụ án được hiểu là những sự kiện, tình tiết có thật diễn ra ngoài ý muốn của con người. Do vậy, những tình tiết được kết luận theo ý muốn chủ quan của người kết luận và không đúng như sự thật đã diễn ra thì không phải tình tiết khách quan của vụ án. Kết luận trong bản án, quyết định của Toà án bị coi là không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nếu kết luận đó không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi tại phiên tòa, hoặc đưa ra kết luận không dựa trên cơ sở xem xét các tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án, hoặc có mâu thuẫn giữa các chứng cứ có ý nghĩa cơ bản đối với vụ án nhưng bản án hoặc quyết định của Toà án không nêu được căn cứ để chấp nhận chứng cứ này và bác bỏ chứng cứ khác. Chẳng hạn theo lời khai của bị hại và nhân chứng thì ngoài bị cáo còn có người khác cùng thực hiện tội phạm nhưng Tòa án chỉ kết luận một mình bị cáo thực hiện là bỏ lọt người phạm tội; hoặc bị cáo phạm nhiều tội nhưng Tòa án chỉ kết luận phạm một tội là bỏ lọt tội phạm, đây là các biểu hiện của “kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”.
Về căn cứ “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Tuy nhiên, chỉ được coi là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi những vi phạm này đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Đây là điểm mới cơ bản và quan trọng so với BLTTHS năm 2003, trước đây chỉ cần có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là đủ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng nay các vi phạm này phải dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án mới trở thành căn cứ kháng nghị.
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong điều tra, truy tố, xét xử là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, nên trong thực tiễn các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ điều tra bổ sung được xem là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Ngoài ra, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì những trường hợp sau đây cũng được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Thành phần Hội đồng xét xử không đúng quy định của pháp luật; xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng; xét xử vắng mặt người bị hại trong trường hợp sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo; xét xử vắng mặt người bào chữa trong những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa cho bị cáo và văn phòng Luật sư hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận đã phân công hoặc cử người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng họ vắng mặt; nội dung quyết định của bản án mâu thuẫn với biên bản nghị án hoặc mâu thuẫn với biên bản phiên toà; chủ tọa phiên toà không thực hiện các quy định của BLTTHS về trình tự phiên tòa; Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án cấp sơ thẩm theo hướng tăng nặng đối với bị cáo trong trường hợp không có kháng cáo của người bị hại hoặc kháng nghị của VKS theo hướng đó hoặc kháng cáo, kháng nghị đã quá thời hạn quy định của pháp luật nhưng vẫn được Toà án chấp nhận.
Về căn cứ “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào quy định của pháp luật để đưa ra quyết định xử lý người phạm tội, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt người phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, có những trường hợp bản án hoặc quyết định của Toà án có những thiếu sót, thậm chí sai lầm nghiêm trọng dẫn đến việc xử lý hành vi phạm tội không được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thông thường là sai lầm trong việc áp dụng BLHS, BLTTHS và văn bản pháp luật khác.
Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia tố tụng, Điều 379 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ; việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Nếu không có căn cứ kháng nghị thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị.
Khi xác định bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ có một trong các căn cứ nêu trên thì Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải có các nội dung theo quy định tại Điều 378 BLTTHS năm 2015, tuy nhiên nội dung quan trọng thể hiện ở khoản 8 là “Yêu cầu của người kháng nghị”. Điều 388 BLTTHS năm 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, đây cũng chính là thẩm quyền (giới hạn) yêu cầu của người kháng nghị. Căn cứ vào thẩm quyền của TAND cấp cao, thì quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao phải thể hiện rõ một trong các yêu cầu sau đây:
Hủy bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp tỉnh và giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện, bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa không đúng pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện hoặc TAND cấp tỉnh để điều tra lại hoặc xét xử lại khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 BLTTHS; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện hoặc TAND cấp tỉnh và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện hoặc TAND cấp tỉnh khi các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ; và việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không bất lợi cho bị hại, đương sự.
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã có sự thay đổi căn bản về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, dẫn đến quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cũng thay đổi. Trước đây chỉ được kháng nghị theo một trong hai hướng là hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hoặc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; đã mở rộng thêm: Hủy bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp tỉnh và giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện; hoặc sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây là phương thức giúp Hội đồng giám đốc thẩm có thể tự mình và trực tiếp khắc phục sai lầm của Toà án cấp dưới, tránh tình trạng phải hủy án để xét xử lại dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài không cần thiết. Đồng thời cũng tránh trường hợp Toà án cấp dưới không xét xử theo hướng trong quyết định giám đốc thẩm, mà vẫn tiếp tục xét xử như cũ hoặc theo hướng khác, dẫn đến làm phát sinh kháng nghị và mở lại phiên toà giám đốc thẩm một lần nữa.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị tại Điều 381. Trong đó không chỉ giới hạn việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà còn cho phép thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị tại phiên tòa giám đốc thẩm để phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật./.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái
VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: kiemsat.vn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét