Đối tượng cướp ngân hàng ở Huế sẽ lãnh bao nhiêu năm tù?
Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016
(CAND) - Hành vi của tên cướp Nguyễn Hoàng Tâm được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 133 với khung hình phạt sẽ là bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Lần đầu tiên một, đối tượng dùng súng cướp ngân hàng như trong phim hành động. Và cũng hiếm có trường hợp, một tên cướp táo tợn lại hoàn tất hành vi phạm tội cướp số tiền lên tới 725 triệu đồng tại ngân hàng trong thời gian chưa đầy 20 giây.
Dư luận hiện đang quan tâm mức xử lý đối với hành vi đó như thế nào? Có áp dụng hình thức giảm nhẹ?… phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trung Nguyễn xung quanh vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn
PV: Thưa luật sư, sáng 18-12, đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm, ở Đắk Milk, Đắk Nông, nghi can trong vụ cướp tại một chi nhánh ngân hàng ở Huế đã bị bắt. Vậy theo quy định của pháp luật, đối tượng này đã phạm tội gì?
Luật sư Nguyễn Tiến Trung: Qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, đối tượng sử dụng súng đe dọa các nhân viên ngân hàng để lấy đi số tiền 725 triệu đồng. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản được (quy định tại Điều 133, Bộ luật hình sự 1999 - Tội cướp tài sản).
PV: Cụ thể trong vụ án này, đối tượng sẽ bị xử lý như thế nào?
LS Nguyễn Tiến Trung: Đối tượng sử dụng vũ khí, có tính chất nguy hiểm, lấy đi số tài sản lớn, có giá trị trên 500 triệu đồng thì có thể bị xử phạt tù từ 18 năm cho đến chung thân.
Theo tình tiết của vụ việc, đối tượng đã đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để khống chế nạn nhân (người quản lý tài sản) và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (tài sản trị giá trên 500 triệu đồng). Hành vi này được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 133 với khung hình phạt sẽ là bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Chân dung phác họa nhân dạng tên cướp giống đến 99% phiên bản chính. (ảnh Công an cung cấp)
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết 144 ngày 29-6-2016 của Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội không áp dụng hình phạt tử hình đối với Tội cướp tài sản. Bởi vậy, đối tượng này có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là tù chung thân
PV: Ngoài ra, đối tượng còn phải chịu hình phạt nào khác không, thưa luật sư?
LS Nguyễn Tiến Trung: Đối tượng đã dùng súng để thực hiện hành vi của mình. Trường hợp 1: Nếu súng mà đối tượng đã sử dụng thuộc vào danh mục , vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì đối tượng vi phạm quy định tại Điều 233 Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Trường hợp 2, nếu đã có căn cứ xác định khẩu súng do đối tượng sử dụng không có tính chất gây tổn thương lớn, và kết cấu vũ khí không chứng minh là vũ khí quân dụng thì đối tượng chỉ bị khép vào tội danh cướp tài sản chứ không thêm tội danh sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm và khẩu súng gây án
PV: Có tình tiết giảm nhẹ cho bị can trong vụ án này không thưa luật sư?
LS Nguyễn Tiến Trung: Theo thông tin báo chí, đối tượng bị công an truy bắt sau 10 ngày gây án. Như vậy, đối tượng không thuộc trường hợp người phạm tội tự thú. Tuy nhiên, đối tượng có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ nếu trước khi phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; hoặc có cha, mẹ, vợ là liệt sĩ, người có công với cách mạng (điểm v, x – khoản 1 – điều 51 BLHS 2015).
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, nếu bị cáo thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ (quy định tại điểm s – khoản 1 điều 51 BLHS 2015.
PV: Xin đặt thêm một tình huống. Nếu giả thiết trong một vụ cướp ngân hàng mà cơ quan công an không tìm được đối tượng gây án thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với số tài sản đã bị cướp?
LS Nguyễn Tiến Trung: Nếu xảy ra trường hợp giả thiết này, Ngân hàng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm và ảnh hưởng lớn cả về uy tín và vật chất. Từng cá nhân chỉ có thể bị xem xét trách nhiệm khi có căn cứ xác định không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tạo điều kiện để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
P.V: Xin cảm ơn luật sư!
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét