Kỹ năng cơ bản đối đáp, tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm hình sự
Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016
(Kiemsat.vn) - Ngành KSND trong những năm gần đây chú trọng đến công tác đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên (KSV), tăng cường việc mở phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao khả năng tranh tụng của KSV tại phiên tòa, thực hiện tốt vai trò công tố mà pháp luật giao phó.
(Hình ảnh: vksndpy.gov.vn)
Tranh luận tại phiên tòa của KSV phải thực hiện theo hai phần, cụ thể là: Phần trình bày luận tội và phần đối đáp.
Bản luận tội là khởi nguồn cho giai đoạn tranh tụng là luận tội được KSV trình bày sau khi kết thúc phần xét hỏi. Nội dung luận tội thể hiện quan điểm giải quyết của VKS đề nghị Hội đồng xét xử kết tội bị cáo theo toàn bộ nội dung bản cáo trạng đã truy tố hay một phần mội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Luận tội mà KSV trình bày tại phiên tòa phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa; phải căn cứ vào ý kiến của bị cáo, ý kiến của người bào chữa, ý kiến của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Trường hợp thấy không có căn cứ kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Chuẩn bị luận tội: Để luận tội có tính thuyết phục, KSV phải xây dựng dự thảo luận tội gồm 03 (ba) phần:
– Phần mở đầu ngắn gọn, bắt đầu vào luận tội là câu thưa Hội đồng xét xử; KSV gới thiệu về mình là đại diện VKS nhân dân tỉnh (hoặc huyện)… thực hành quyền công tố tại phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án (nêu tên bị cáo chính) bị truy tố về tội… với trách nhiệm và quyền hạn là người thực hành quyền công tố Nhà nước, tôi trình bày quan điểm xử lý đối với bị cáo và giải quyết vụ án.
– Phần nội dung là phần quan trọng nhất, phân tích đánh giá chứng cứ; phân tích đánh giá tính chất, mức độ phạm tội, vai trò vị trí trách nhiệm của bị cáo; đề nghị xử lý theo trình tự phần hình phạt chính trước, phần hình phạt bổ sung sau và cuối cùng là đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp; đề nghị hình phạt chính phạt theo nguyên tắc bị cáo chính trước, bị cáo nhiều tội thì đề nghị hình phạt riêng từng tội sau đó tổng hợp, nếu bị cáo đang chấp hành bản án khác thì đề nghị tổng hợp với phần chưa thi hành của bản án trước. Hình phạt bổ sung thì KSV phải xem xét theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu đề nghị không áp dụng thì phải nêu rõ lý do; đề nghị áp dụng các biện pháp tư pháp, bồi thường thiệt hại.
– Phần kết luận viết ngắn gọn về tầm quan trọng của việc xét xử vụ án để Hội đồng xét xử quan tâm khi nghị án.
Chú ý: Quá trình xét hỏi, KSV phải bổ sung vào bản đề cương luận tội những điểm phát sinh trong quá trình xét hỏi, ghi nhận những chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và sử dụng làm chứng cứ để luận tội. Đồng thời loại bỏ những điểm không còn phù hợp với kết quả xét xử để tăng tính thuyết phục của luận tội.
Trình bày luận tội: Khi trình bày luận tội, KSV phải quan sát bị cáo đã đứng vào đúng vị trí và sẵn sàng nghe luận tội chưa? Luận tội của KSV phải căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa để trình bày, chứ không được đọc luận đã được chuẩn bị từ trước.
Trình bày luận tội cần rõ ràng, rành mạch, chuẩn các thuật ngữ pháp lý, nội dung đi đúng trọng tâm, phân tích đánh giá chứng cứ, không bỏ sót nội dung quan trọng và tự điều chỉnh âm lượng cho phù hợp thể hiện phong cách đầy tự tin; phân tích rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội và tác hại do bị cáo gây ra, đồng thời phê phán thủ đoạn phạm phạm tội. KSV khi phân tích phải chú ý phân tích những chứng cứ mới được xem xét tại phiên tòa; lập luận có căn cứ pháp lý để bác bỏ những quan điểm không phù hợp.
Luận tội của KSV phải kết hợp giữa việc đưa ra lý lẽ, viện dẫn căn cứ pháp luật để bảo vệ quan điểm buộc tội. Đề nghị hình phạt phải dựa trên tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho phù hợp, thuyết phục và được những người tham dự phiên tòa đồng tình, Hội đồng xét xử chấp nhận.
Về phần đối đáp: Sau khi kết thúc lời trình bày luận tội của KSV về quan điểm xử lý và đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo, bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra (nếu có), hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp thì luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được quyền trình bày quan điểm, ý kiến của mình về lời trình bày luận tội của KSV. Trên thực tế, quan điểm của những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa sẽ xảy ra 02 (hai) trường hợp là đồng tình với nội dung luận tội của KSV và trường hợp luật sư, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác (gọi chung là những người tham gia tố tụng) quan điểm khác với nội dung luận tội của KSV. Kết quả đối đáp của KSV phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết pháp luật, khả năng tư duy ứng xử “khẩu khí” vận dụng quy định pháp luật linh hoạt vào tình huống cụ thể và diễn biến vụ án.
Đối với trường hợp những người tham gia tố tụng đồng tình với nội dung luận tội của KSV thì KSV đối đáp theo hướng “không tham gia tranh luận” mà thể hiện quan điểm giữ nguyên như nội dung luận tội đã đề cập tại phiên tòa này.
Đối với trường hợp luật sư, bị cáo có ý kiến khác với nội dung luận tội của KSV. Trong tình huống này đòi hỏi KSV chú ý lắng nghe, ghi chép phần trình bày quan điểm của luật sư, bị cáo để biết được nội dung cần phải tranh luận; Kiểm sát viên “phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng” nắm chắc nội dung vụ án và các quy định của pháp luật để chủ động trong việc đối đáp đưa ra những lập luận của mình đối với các ý kiến, đối đáp đầy đủ, không được né tránh. Bào chữa của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo và lời bào chữa của bị cáo thường tìm ra những thiếu sót, đưa ra những lý do để không đồng tình với nội dung của bản cáo trạng của VKS, nội dung luận tội của KSV. Thông thường luật sư bào chữa cho bị cáo, khi bào chữa hay đưa ra nhiều thông tin thiếu chính xác, viện dẫn không đầy đủ, sai lệch nhằm gây “nhiễu sóng” làm KSV mất bình tĩnh; bị cáo ngoan cố, chối tội nhằm trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. KSV khẩn trương tập hợp các ý kiến có những nội dung giống nhau và ý kiến có nội dung khác nhau để phân loại chủ động đưa ra phương án đối đáp, chọn phương án trả lời nhanh gọn, dứt điểm, sử dụng ngôn từ sắc bén, chính xác.
Để chuẩn tốt bị cho việc đối đáp, KSV nên chọn và nêu lên những nội dung của luật sư và bị cáo đưa ra không liên quan đến vụ án để loại trừ; KSV khẳng định các nội dung luật sư, bị cáo nêu không liên quan đến vụ án và theo quy định của pháp luật thì KSV không có trách nhiệm đối đáp. Mục đích của câu khẳng định là loại trừ một số nội dung không liên quan đến vụ án mà luật sư, bị cáo đưa ra để nhừng người có mặt trong phiên tòa thấy khả năng hiểu biết, kiến thức pháp luật của KSV và tạo nên sự chủ động của KSV trong việc đối đáp.
Ý kiến bào chữa của luật sư, của bị cáo có mục đích bóp méo sự thật, viện dẫn sai lệch nội dung thì KSV sử dụng những chứng cứ khách quan như dấu vết, vật chứng và những ý kiến của người tham gia tố tụng đã đồng tình với quan điểm đã nêu ở luận tội của KSV, các quy định của pháp luật để phản bác, đồng thời đưa ra các chứng cứ có trong vụ án để làm sáng tỏ ý đồ không tôn trọng sự thật của vụ án, không bảo vệ pháp chế, việc bào chữa của luật sư chỉ là mục đích giúp cho thân chủ của họ trốn tránh trước sự trường phạt pháp luật. Đối đáp, lập luận của KSV phải khẳng định: ý kiến của luật sư bào chữa, bị cáo là không đúng sự thật, trái quy định của pháp luật. Khẳng định của KSV nhằm tạo sự đồng thuận của Hội đồng xét xử, cũng như những người đến dự phiên tòa.
Phần tục tố tụng: Người bào chữa hay nghiên cứu đến việc Cơ quan tiến hành tố tụng xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án; sự có mặt của người đại diện hợp pháp khi lấy lời khai của người bị hại, nhân chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi; vấn đề bồi thường thiệt hại do người phạm tội gây ra. Thủ tục tiến hành tố tụng đối với bị can có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; bị can phạm tội có khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân, tử hình. Hoặc trong trường hợp xác định năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải chú ý độ tuổi của bị can, nếu dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì bố, mẹ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp và là người bị đơn dân sự. Trường hợp bị can đủ 15 tuổi nhưng dưới 18 tuổi mà cha hoặc mẹ bồi thường thiệt hại thì cha, mẹ của bị can tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, về dân sự là có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong các tình huống này, KSV phải bình tĩnh đối đáp viện dẫn tài liệu, quy định của pháp luật để khẳng định việc tiến hành tố tụng đối với vụ án là đúng pháp luật. Chú ý, câu khẳng định phải được nhấn mạnh, dứt khoát, rõ ràng để thể hiện trình độ và sự am hiểu pháp luật của KSV, giành thế chủ động trong việc đối đáp để tạo sự đồng thuận của những người có mặt tại phiên tòa.
Ngoài các quy định của BLTTHS năm 2003 ra thì BLTTHS năm 2015 có quy định mới về thủ tục tố tụng tại phiên tòa là sự có mặt của ĐTV và những người khác (Điều 296): Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập ĐTV, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Khi tranh tụng tại phiên tòa Hội đồng xét xử có quyền cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Điều 313): Trong trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình. Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa. Hoặc ĐTV, KSV, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến (Điều 317): Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu ĐTV, KSV, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Trong quá trình tranh luận, đối đáp, KSV cần phải linh hoạt, vận dụng chính xác các quy định của pháp luật, sáng tạo các phương pháp đối đáp cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể; tôn trọng quyền bào chữa của những người tham gia tố tụng. Khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì phải lắng nghe ý kiến trình bày của ĐTV, KSV, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý giải quyết vụ án, người tham gia tố tụng khác được Hội đồng xét xử triệu tập đến phiên tòa để làm cơ sở bổ sung cho việc đối đáp, tranh tụng, không bảo thủ và có ý thức tiếp thu những thiếu sót để khắc phục./.
Đỗ Minh Tuấn (Phó Chánh Thanh tra VKSND thành phố Hà Nội)
Nguồn: VKSND TP Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét