Theo nhiều chuyên gia pháp lý, đây là bước tiến trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện dân chủ, nhân văn. Song cũng có ý kiến cho rằng, cho phép chuyển giới chẳng khác gì ngầm cho phép hôn nhân đồng giới.
Pháp luật đã gần gũi cuộc sống
Đánh giá là một bước tiến về công tác lập pháp, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, xưa nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép chuyển giới sẽ ảnh hưởng và không phù hợp với văn hóa người Việt. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy nhu cầu chuyển đổi giới tính là cần thiết với một bộ phận trong xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền được chăm sóc sức khỏe và đáp ứng hội nhập quốc tế của quá trình xây dựng pháp luật.
“Tôi có thể hiểu được cái cảm giác của một người chuyển giới, khi họ đang và đã phẫu thuật, ví dụ hình hài họ như một cô gái, nhưng trong hồ sơ lý lịch cá nhân họ lại là “nam”. Điều này gây khó cho họ trong các sinh hoạt cá nhân, ví dụ như khi qua các chốt an ninh hàng không, đi khám chữa bệnh. Từ nay, những thiệt thòi này đã được tháo gỡ”, bà Nga phân tích thêm.
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.(Trích Điều 37, Bộ luật Dân sự, có hiệu lực từ 1/1/2017)
Luật sư Vi Văn A (Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn Luật sư Hà Nội) nói, thông thường không ai tự dưng bỏ ra một khoản tiền lớn can thiệp y học nhằm chuyển đổi giới tính. “Chỉ có những người thật sự có câu chuyện về giới tính, những người thật sự khát khao được sống với chính con người thật của mình, họ mới mong muốn chuyển giới và thiết tha được xã hội, pháp luật thừa nhận. Vì lẽ đó, tại sao chúng ta lại ngăn cản, hoặc không thừa nhận nhu cầu chính đáng này”, luật sư A nói thêm.
Bàn về hiệu ứng xã hội từ việc thông qua chế định trên, thẩm phán Nguyễn Xuân Văn, Chánh án TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội, đánh giá: “Tôi tin chế định này sẽ được xã hội chào đón, ủng hộ. Xét về yếu tố tâm lý thông thường, những người có vấn đề về giới tính khi chưa được xã hội thừa nhận, cho phép chuyển giới, họ thường bị xa lánh, ghẻ lạnh, từ đó dễ rơi vào trạng thái bị cô lập, làm nảy sinh hành vi tiêu cực, thậm chí là phạm tội. Nhưng nay họ đã được là chính mình, tâm lý nặng nề được cởi bỏ, họ sẽ vui vẻ cống hiến, thực hiện các hành vi tích cực, qua đó giúp ích cho xã hội”.
“Cứ sống vui vẻ bên nhau, ai cấm”
Đặt vấn đề nếu đã cho phép chuyển giới, có hay không cho phép hôn nhân đồng tính, luật sư Hằng Nga thẳng thắn: “Tôi cho rằng, việc pháp luật không thừa nhận hôn nhân đồng giới là một chế định đúng đắn. Nó phù hợp với văn hoá, với truyền thống và mục đích tốt đẹp của hôn nhân. Những người đồng giới cứ sống vui vẻ bên nhau đi, có ai cấm đâu”.
Theo phân tích của bà Nga, hệ thống văn bản pháp luật được xây dựng trên cơ sở thực tiễn đời sống xã hội, các phong tục, tập quán, văn hóa. Điều này có nghĩa, khi xây dựng hôn nhân đồng giới cũng vậy, pháp luật cần căn cứ vào đời sống văn hoá thực tế của người dân phương Đông. “Hôn nhân đồng giới không giải quyết được những đòi hỏi của xã hội đối với gia đình, bởi gia đình, hôn nhân có một chức năng vô cùng quan trọng là duy trì nòi giống, là sinh sôi nảy nở. Sự đòi hỏi này vừa là quy luật tự nhiên, vừa là mục tiêu của gia đình. Mà gia đình lại là tế bào của xã hội, gia đình khỏe mạnh, đúng nghĩa, đất nước mới phát triển, bền vững được”, bà Nga đưa ra quan điểm.
Đồng quan điểm, luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn Luật sư Hà Nội) lập luận, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới, có thể ở một quốc gia nào đó, họ coi là sự dân chủ. Tuy vậy, nếu cổ súy cho hoạt động này, sẽ dẫn đến tình trạng tâm lý a dua, hoặc tạo ra một trào lưu, lối sống không lành mạnh và vô trách nhiệm với dòng tộc, cao hơn là với quốc gia, bởi giữa họ không có những đứa con theo quy luật tự nhiên, không có được những thế hệ tương lai cho đất nước.
Tháo gỡ hàng loạt khó khănLuật sư Nguyễn Tiến Trung, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nói: “Tôi còn nhớ, trước đây đã có nhiều bài báo phản ánh các ý kiến của chuyên gia pháp lý cũng như thực tế quá khó khăn đối với những người chuyển giới chưa được pháp luật công nhận. Đó là việc, họ phải đối mặt với hàng loạt bất cập liên quan đến các dịch vụ y tế, sức khỏe, cộng đồng. Thậm chí, có chuyên gia có đặt nghi vấn, những người chuyển giới mà phạm tội, vậy khi vào các trại giam giữ, họ sẽ được bố trí ở khu vực nào, tù nhân nam hay nữ nếu cơ thể họ là nam, nhưng sinh học bẩm sinh họ lại là nữ… Khi xã hội, pháp luật đã chấp nhận, công nhận giới tính sau khi chuyển giới, những khó khăn này đã được tháo gỡ, giúp cho những người có vấn đề về giới tính có cơ hội thuận lợi để hòa nhập cộng đồng, giúp ích cho xã hội”.
Nhà báo - Bảo Thắng / Báo Tiền Phong
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét