Home
» tintuc
» Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án Luật
Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án Luật
Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015
(VBF)-Trong hai ngày 25 và 26/8/2015, tại Tòa nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến các Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Tòng Thị Phóng. TS. LS Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia và có nhiều ý kiến đóng góp vào các Dự án Luật nói trên.
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong một số dự án Luật (Ảnh: Hoài Phan)
Đây là một hoạt động tiếp nối các Hội thảo quốc tế, Hội nghị do Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục tổ chức từ đầu tháng 8/2015 đến nay nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, hành nghề luật và các đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với nhiều Dự án Luật dự kiến sẽ được trình kỳ họp cuối cùng của Quốc hội thông qua vào cuối năm 2015. Trong đó có nhiều Dự án Luật có nội dung và phạm vi điều chỉnh liên quan trực tiếp đến vị thế, vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Luật sư Phan Trung Hoài thay mặt cho Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Đình Nam)
Tiếp nối các kiến nghị, đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại các văn bản số 261 ngày 30/7/2015 và số 289 ngày 18/8/2015, tại các phiên thảo luận, LS Phan Trung Hoài đã làm rõ hơn một số kiến nghị cụ thể:
- Về Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi): Xuất phát từ tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền bào chữa, bảo đảm tranh tụng trong xét xử và chủ trương cải cách tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề xuất xây dựng lại chương VII về bào chữa trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) với tên gọi mới là “bào chữa và bảo vệ quyền lợi” nhằm giải quyết sự bất hợp lý trong cấu trúc các điều khoản liên quan đến khái niệm, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa cho người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị hại và các đương sự khác trong tố tụng hình sự nằm rải rác trong các chương I, chương IV và chương VII của Dự thảo. Việc đưa các quy định về bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong tố tụng hình sự chung vào một chương là phù hợp với phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý trong tố tụng hình sự bao gồm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương dự, đại diện theo ủy quyền… Đồng thời, việc không quy định người bào chữa là người tham gia tố tụng tại chương IV cũng nhằm xác định địa vị pháp lý của người bào chữa, trong đó có luật sư là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, trong mối quan hệ bình đẳng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử.
Liên đoàn đề nghị tiếp tục cân nhắc, xem xét không đưa diện chủ thể người bào chữa là bào chữa viên nhân dân; đưa chủ thể hưởng quyền trợ giúp pháp lý là người bị kết án có yêu cầu khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm. Đề nghị đảm bảo quyền chủ động được gặp, hỏi riêng giữa người bào chữa và người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo hướng tháo gỡ rào cản về thủ tục cấp Giấy đăng ký người bào chữa (đối với luật sư, trợ giúp viên pháp lý), không hạn chế số lần và thời gian gặp trong giờ làm việc. Đề nghị quy định chỉ định người bào chữa bắt buộc đối với các tội danh có mức án từ 15 năm tù (tội phạm rất nghiêm trọng), thay vì chỉ từ mức chung thân, tử hình như Dự thảo, nhằm gia tăng số lượng vụ án có luật sư tham gia tố tụng.
Ngoài ra, Liên đoàn đề nghị vẫn giữ nguyên trình tự xét hỏi tại phiên tòa (điều 304) theo đề xuất của Ban soạn thảo và văn bản số 155 ngày 5/8/2015 của Tòa án nhân dân tối cao: Cần đổi mới trình tự xét hỏi tại phiên tòa theo hướng Hội đồng xét xử không phải là chủ thể hỏi chính mà đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và luật sư phải là người hỏi chính; Hội đồng xét xử là người hỏi sau cùng và chủ tọa phiên tòa làm nhiệm vụ điều khiển việc xét hỏi và tranh luận giữa bên buộc tội và bên bào chữa. Đồng thời, đề nghị xem xét, sửa điều 252 Dự thảo về Phòng xử án, theo hướng quy định chỗ ngồi của Kiểm sát viên và người bào chữa là bình đẳng, ngang hàng với nhau.
- Về Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi): Liên đoàn đề nghị bỏ thủ tục Tòa án cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo khoản 2 và khoản 4 điều 72 Dự thảo, chuyển sang thủ tục đăng ký theo hướng: Khi đương sự yêu cầu, luật sư xuất trình Thẻ luật sư, văn bản yêu cầu nhờ luật sư, Tòa án làm thủ tục đăng ký và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng. Đề nghị sửa khoản 1 điều 73 Dự thảo: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm khi được đương sự yêu cầu. Đồng thời, sửa lại khoản 2 điều 333 về những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm: “Tòa án triệu tập luật sư và những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm để trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án…”.
Ngoài ra, theo điều 164 Dự thảo thừa nhận chi phí luật sư là chi phí tố tụng, nhưng khoản 3 điều 164 quy định “do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác”. Đề đề cao vị trí, vai trò của luật sư, đồng thời các đương sự cũng cần cân nhắc khi quyết định khởi kiện, đưa việc tranh chấp ra Tòa án, đề nghị quy định: “Chi phí luật sư hợp pháp, hợp lệ do bên thua kiện chịu theo quyết định của Tòa án”. Về điều 217, đề nghị bổ sung trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, phải ghi rõ họ, tên của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có). Về trình tự phát biểu, đề nghị sau khi Kiểm siên phát biểu (điều 258 Dự thảo), đề nghị người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quyền đối đáp ý kiến.
- Về Dự án Luật tố tụng hành chính: Liên đoàn đề nghị bỏ thủ tục Tòa án cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo khoản 2 và khoản 4 điều 64 Dự thảo, chuyển sang thủ tục đăng ký theo hướng: Khi đương sự yêu cầu, luật sư xuất trình Thẻ luật sư, văn bản yêu cầu nhờ luật sư, Tòa án làm thủ tục đăng ký và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng. Về khoản 22 điều 58 quy định quyền và nghĩa vụ của đương sự (trong đó có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự), đề nghị bổ sung quyền “đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị và được tham gia phiên tỏa giám đốc thẩm, tái thẩm khi xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Về trình tự phát biểu, đề nghị sau khi Kiểm siên phát biểu (điều 193 Dự thảo), đề nghị người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quyền đối đáp ý kiến...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan thẩm định các dự án Luật tiếp thu nhiều ý kiến đề xuất có căn cứ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến một số giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản hạn chế đến quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa đã được Hiến pháp 2013 quy định, thông qua việc luật sư chỉ cần đăng ký khi tham gia tố tụng, giải quyết bất cập khi thân nhân nhờ luật sư nhưng người bị buộc tội lại làm đơn từ chối luật sư một cách không rõ ràng bằng cách cho phép luật sư cùng điều tra viên cùng vào xác nhận lấy ý kiến của người bị buộc tội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết luận Hội nghị vào trưa này 26/8/2015 (ảnh: Hoài Phan)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu kết luận của mình đã đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ của việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này là phải thể hiện cho được tinh thần và những giá trị đặc biệt có ý nghĩa của Hiến pháp 2013, trong đó có việc bảo đảm quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần nghiên cứu và xây dựng đồng bộ Luật nội dung (Bộ luật Hình sự) và Luật tố tụng (Bộ luật tố tụng hình sự), khẳng định vị trí, vai trò của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử, trong đó khẳng định trọng tâm của sửa đổi là khẳng định quyền tư pháp của Tòa án và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.
Các Dự án Luật nói trên sẽ còn được tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân, các chuyên gia ở nhiều cấp độ khác nhau và của các cơ quan thẩm định, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức đưa ra Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ X sắp tới.
Nguồn: Liên đoàn Luật sư Việt Nam (www.liendoanluatsu.org.vn)
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét