Phí sử dụng đường bộ - Những vấn đề còn tồn tại
Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014
Lực lượng cảnh
sát giao thông, công an phường hay cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt người
vi phạm trong việc nộp phí sử dụng đường bộ hay không? Liệu rằng với những quy
định hiện hành thì việc xử phạt hành chính người có hành vi vi phạm có được thực
hiện có hiệu quả trên thực tế?
Ngày 15/11/2012 Bộ tài chính ban hành Thông tư số
197/2012/TT-BTC về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường
bộ theo đầu phương tiện, thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Vậy, nhưng
sau hơn một năm đi vào cuộc sống thì có thể nhận thấy việc triển khai thực hiện
việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy dường như vẫn còn
nhiều bất cập, chưa thật sự khả thi khi lượng đầu phương tiện nộp vẫn còn ở con
số rất hạn chế, nguyên nhân một phần cũng là do chưa có chế tài xử phạt với những
trường hợp vi phạm. Do vậy, để khắc phục tình trạng này, đồng thời cũng nhằm đảm
bảo việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả
ngày 05/12/2013 Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 186/2013/TT-BTC về hướng dẫn
thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, thông
tư này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/11/2014.
(Ảnh sưu tầm) |
Về mức phí
sử dụng đường bộ theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 về hướng dẫn chế
độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thì nếu
không thuộc một trong những trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ được quy
định tại Điều 3 thì các đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ trong đó có xe mô
tô, xe gắn máy được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Thông tư phải nộp mức
phí sử dụng đường bộ từ 100.000 vnđ – 150.000 vnđ/năm tùy theo dung tích xylanh
của xe. Cụ thể tại Phụ lục 1 biểu mục 4 về mức phí đối với xe mô tô (không bao
gồm xe máy điện) thì mức thu đối với loại xe có dung tích xy lanh đến 100 cm3
tối đa 100.000 vnđ/năm, loại xe có dung tích xy lanh trên 100 cm3 có
mức thu tối đa 150.000 vnđ/năm, các địa phương có thể quyết định mức thu thấp
hơn so với mức thu trên tùy thuộc với tình hình thực tế tại địa phương.
Trường hợp
chủ phương tiện có hành vi vi phạm như không nộp hoặc trốn nộp phí sử dụng đường
bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư số
186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, lệ phí. Theo đó, đối với hành vi vi phạm
quy định về nộp phí, lệ phí như gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn
nộp phí, lệ phí thì sẽ bị áp dụng phạt tiền từ 01 đến 03 lần số tiền phí, mức
tiền phạt tiền tối đa là 50.000.000 vnđ. Nhưng một trong những vấn đề còn bất cập,
thậm chí gây nhầm lẫn đó là về thẩm quyền xử phạt, hay việc xử phạt người vi phạm
có khả thi? Theo đó, khác với xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường
bộ khi người có thẩm quyền xử phạt đồng thời sẽ ra quyết định xử phạt đối với
hành vi vi phạm, thì trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về quản lý giá,
phí, lệ phí, hóa đơn lại có sự tách biệt giữa người có thẩm quyền lập biên bản
vi phạm hành chính với người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Cụ thể, tại
khoản 1 Điều 15 Thông tư 186/2013/TT-BTC đã quy định rõ thẩm quyền lập biên bản
vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số
109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Khoản 1 Điều 41 Nghị định
109/2013/NĐ-CP có quy định rõ người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại Điều
này có quyền lập biên bản hành chính về những vi phạm hành chính thuộc phạm vi
thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao. Như vậy, có thể thấy chỉ những người nào
được giao nhiệm vụ theo mẫu quy định hoặc người nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm
trong lĩnh vực này mới có quyền lập biên bản người có hành vi vi phạm. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào không được giao
nhiệm vụ hoặc không thuộc trường hợp có quyền ra quyết định xử phạt mà tiến
hành lập biên bản đều bị coi là hành vi trái pháp luật.
Về thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí thì tại khoản 2
Điều 15 Thông tư 186/2013/TT-BTC lại có quy định dẫn chiếu đến Điều 43 Nghị định
số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ. Cụ thể, tại Điều 43 Nghị định
109/2013/NĐ-CP có liệt kê những người có thẩm quyền xử phạt như chủ tịch UBND cấp
xã, chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh…Có thể thấy, không như nhiều
người lầm tưởng rằng lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động có thẩm
quyền xử phạt với hành vi vi phạm về việc nộp phí sử dụng đường bộ, mà chỉ có
những người có thẩm quyền được quy định tại Điều 43 nghị định 109/2013/NĐ-CP mới
có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Trong việc lập biên bản vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người lập biên bản sẽ tạm giữ giấy phép
lái xe/phương tiện của người vi phạm để đảm bảo cho việc xử lý. Nhưng trong việc
lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí theo mẫu số 01 ban
hành kèm theo Thông tư số 186/2013/TT-BTC thì lại không hề có mục tạm giữ giấy
tờ/phương tiện của người vi phạm để đảm bảo cho việc xử lý. Vậy, một vấn đề được
đặt ra ở đây là khi biên bản vi phạm hành chính được chuyển về cho người
có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì việc xử phạt liệu rằng có đảm bảo thực
hiện khi người vi phạm không đến hoặc cố tình không đến nộp phạt theo quy định,
vì dường như không có biện pháp bảo đảm gì để họ buộc phải thực hiện. Nếu chuyển
quyết định về nơi cư trú của người vi phạm thì liệu rằng có khả thi khi thực hiện
việc cưỡng chế thi hành khi số tiền phạt không lớn.
Thiết nghĩ,
trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần phải có những giải pháp nhằm
đảm bảo không chỉ việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ với các phương tiện tham
gia giao thông nói chung, với mô tô, xe gắn máy nói riêng được thực hiện một
cách nghiêm túc và đầy đủ, mà cũng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng những
biện pháp bảo đảm cho việc xử phạt có hiệu quả, tránh tình trạng có vi phạm, có
lập biên bản, có quyết định xử phạt nhưng lại không thể thực hiện được trên thực
tế.
--------------------------------------------------
TSLS - Vũ Quang Bá
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét