Khi phí sử dụng đường bộ không còn là tự nguyện
Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014
“Phí sử dụng đường bộ” hay
“phí bảo trì đường bộ”?
Hiện nay, trên các phương
tiện truyền thông, cụm từ "Phí bảo trì
đường bộ"
xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đây thực chất là một cách hiểu
chưa đúng, làm giảm
hẳn quyền lợi của người nộp phí. Trong Pháp lệnh số 38/2011/PL-UBTVQH tại Điều 2
có định nghĩa rõ về phí như sau:
"Phí là
khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung
cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này."
Như vậy, phí mang tính chất đối giá
và hoàn trả trực tiếp. Trở
lại với danh mục phí thuộc lĩnh vực giao thông
vận tải ban hành kèm theo Pháp lệnh, chúng ta không thể tìm thấy khoản “phí bảo trì đường bộ” mà chỉ có khoản phí
sử dụng đường bộ mà thôi. Vậy cái tên “phí bảo trì đường bộ” xuất phát từ đâu,
thực chất nó bắt nguồn từ chính ý nghĩa mà Phí sử dụng đường bộ mang lại. Theo
quy định tại Điều 7 Thông tư số 197/2012/TT-BTC về quản lý và sử dụng phí thì sau khi trừ
đi các chi phí thu thì số tiền còn lại các đơn vị thu phí phải
nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương mở tại Kho bạc Nhà nước. Như vậy, Quỹ bảo trì đường bộ mới là cái
tên đúng và nó được hình thành từ Phí sử dụng đường bộ.
Vậy Quỹ bảo trì đường bộ có vai trò gì?
(Ảnh sưu tầm) |
Không chỉ ở Việt Nam mà hầu như tất cả các
quốc gia trên thế giới, đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Và tất nhiên, trong quá trình khai thác,
sử dụng, đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật. Mặc dù trong
những năm qua, các nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ đã được
quan tâm, huy động, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40%
nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ, và khoảng 20-30% nhu cầu với
hệ thống đường bộ địa phương. Đây là khó khăn không nhỏ trong điều kiện vốn
ngân sách không thể đáp ứng đủ nhu cầu bảo dưỡng, duy trì chất lượng hệ thống
đường sá. Chính vì vậy người sử dụng đường bộ cần chung tay, góp sức, từng bước
đáp ứng nhu cầu vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ thông qua Quỹ bảo
trì đường bộ.
Mục đích thành lập Quỹ bảo trì đường bộ nhằm
huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng với ngân
sách nhà nước dần từng bước đáp ứng nhu cầu vốn công tác quản lý, bảo trì đường
bộ; đúng theo nguyên tắc người sử dụng các dịch vụ phải trả tiền để nhận được
dịch vụ ngày càng tốt hơn. Quỹ bảo trì đường bộ trung ương được sử dụng cho
công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ bảo trì đường bộ địa phương
được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương. Bao gồm các khoản: Chi bảo trì công trình
đường bộ; Chi quản lý công trình đường bộ; Chi hoạt động của Hội đồng quản lý
quỹ bảo trì đường bộ và Các khoản chi khác
có liên quan đến bảo trì, quản lý công trình đường bộ.
Đẩy mạnh thu phí sử dụng
đường bộ
(Ảnh sưu tầm) |
Phí bảo trì đường bộ đã được thực hiện từ 1/1/2013 nhưng
đến nay các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng trong việc triển khai nên kết
quả đạt được rất thấp, đặc biệt đối với phương tiện xe máy. Riêng địa bàn Hà
Nội dự kiến có khoảng 4,5 triệu xe máy, tuy nhiên trong năm 2013 cũng chỉ thu
được 55 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ, đạt tỷ lệ rất thấp với khoảng 21% so với
kế hoạch đề ra. Nguyên nhận một phần từ sự chây ì, trốn tránh của người dân với
nhiều lý do như "nơi này chưa thu, nơi kia
thu" hay phương tiện của gia đình không tham gia hoặc ít tham gia giao
thông ... Nhưng vấn đề lớn nhất lại từ chính
cách thức tiến hành thu nộp phí sử dụng đường bộ hiện nay. Cụ thể là ở rất
nhiều nơi, khi có thông tin nộp phí, người dân rất ủng hộ nhưng không thấy ai
thu cả, cũng không biết nộp cho ai. Ngay cả bản thân những người có
trách nhiệm thu phí cũng chưa làm hết trách nhiệm hoặc không đủ năng lực triển
khai hoạt động thu phí. Việc giao cho tổ trưởng dân phố là rất khó khăn và phức
tạp, vì những người này cũng không nắm được mỗi nhà có bao nhiêu xe,
xe bao nhiêu phân khối, rồi sẽ có sự tiêu cực xin - cho trong nội bộ tổ dân phố ...
Bên cạnh đó, do không có
chế tài xử phạt nên chủ phương tiện không hiểu nghĩa vụ phải nộp phí mà cho
rằng đây là việc làm mang tính tự nguyện, nộp thì nộp, không nộp cũng chẳng sao.
Nhiều trường hợp, cảnh sát giao thông phát hiện cũng chỉ có thể nhắc nhở, rồi
đâu vẫn hoàn đấy.
Để khắc phục những khó
khăn trên, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 133/2014/TT-BTC về hướng dẫn chế
độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, theo
đó thì với các trường hợp chủ phương tiện không nộp phí sử dụng đường bộ theo
đầu phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư
186/2013/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan, mức phạt sẽ từ 01 – 03 lần
số tiền không nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Bên cạnh đó, Thông
tư cũng hướng dẫn việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ, theo
đó thì Ủy ban nhân
dân cấp xã chỉ đạo tổ dân phố, thôn, bản hướng dẫn chủ phương tiện trên địa bàn kê khai phí sử dụng đường bộ và tổ chức
thu phí đầy đủ.
Như vậy, phí sử dụng đường bộ
là khoản phí bắt buộc mà mỗi công dân khi tham gia giao thông với các phương
tiện theo quy định phải chấp hành, nhằm duy trì, sửa chữa và xây dựng các công
trình giao thông phục vụ mục đích cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp
xử phạt, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ
biến, hướng dẫn cho người dân có thể hiểu và tự giác chấp hành quy định này.
---------------------------------------------
Đào Mạnh Thắng
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét