Quyền im lặng trong pháp luật Việt Nam
Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014
Quyền im lặng là một trong những quyền cơ bản
của công dân đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong hệ thống pháp luật.
Ở Việt Nam cho đến nay quyền im lặng mặc dù chưa được ghi nhận chính thức trong
các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đã được gián tiếp nhắc đến không những
trong đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất mà còn trong một số văn bản quy phạm
pháp luật chuyên ngành. Trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS lần này, quyền
im lặng là một trong những vấn đề đang được đưa ra bàn luận và có nhiều ý kiến
trái chiều xung quanh việc quyền im lặng có phải là quyền con người hay không
cũng như việc nên hay không quy định quyền im lặng trong Bộ luật TTHS.
Quyền con người được xem là những quyền tự nhiên cơ bản của con người, nó không chỉ được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà còn được các quốc gia ghi nhận trong những đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất. Bên cạnh đó, quyền con người còn là cơ sở để các quốc gia thể chế hóa thành những quyền cơ bản của công dân nước mình. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 đã khẳng định quyền con người là “những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được pháp và tự do cơ bản của con người”. Quyền con người được toàn thể các quốc gia công nhận và bảo vệ, mỗi quốc gia phải căn cứ vào các công ước ước quốc tế mình là thành viên để nội luật hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật nước mình. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013, của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiện nay, quyền im lặng mặc dù chưa được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác trong pháp luật Việt Nam, nên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng quyền im lặng không phải là quyền con người, do vậy quyền này vẫn chưa được thực hiện trên thực tế. Đối chiếu với một số quy định của Hiến pháp ta có thể thấy quyền im lặng tuy chưa được quy định chính thức nhưng đã được gián tiếp nhắc đến thông qua một số quy định trong Hiến pháp như nguyên tắc suy đoán vô tội, hay quyền có người bào chữa. Cụ thể tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013, đã khẳng định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, trong khi đó tại Điều 10 Bộ luật TTHS 2003 đã quy định rõ trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Như vậy, có thể thấy rằng khi cơ quan tiến hành tố tụng bắt, giữ hay cáo buộc một người phạm tội thì phải có nghĩa vụ chứng minh cho cáo buộc của mình là đúng, người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội (tức là họ có quyền im lặng cho đến khi cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh cáo buộc của họ là có cơ sở và đúng theo quy định pháp luật). Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được họ có tội thông qua những biện pháp hợp pháp thì họ được xem là vô tội.
--------------------------------------------------
TSLS - Vũ Quang Bá
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét