Home
» thongtu
» tintuc
» “Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA - bước đi mới trong công cuộc phòng chống TNGT”
“Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA - bước đi mới trong công cuộc phòng chống TNGT”
Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014
Bắt
đầu từ ngày 19/9/2014 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về
xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ
giới đường bộ cơ giới đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực và được triển
khai áp dụng trên toàn quốc, đây được coi là công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng
chống và ngăn chặn những vụ tai nạn giao thông ("TNGT") do rượu, bia gây ra.
(Ảnh sưu tầm) |
Khi mà rượu, bia vẫn là nỗi lo sợ
Từ lâu,
rượu, bia và những tác hại mà nó gây ra cho hoạt động giao thông đã được con
người tìm hiểu. Theo kết quả nghiên cứu, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm
tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 – 30%, giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản
xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền
tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách, dẫn đến gia tăng mức độ
rủi ro và tai nạn giao thông.
Ngoài ra, tình trạng say rượu, bia
còn làm trầm trọng thêm chấn thương khi xảy ra tai nạn, gây phức tạp cho việc
gây mê và phẫu thuật do sự tương tác giữa thuốc và chất cồn dẫn đến tỷ lệ tử
vong rất cao v.v... Viện Pháp y Quốc gia vừa công bố xét nghiệm 500 nạn
nhân tử vong do tai nạn giao thông thì 34% nạn nhân trong máu có nồng độ cồn.
Mặc
dù Luật Giao thông đường bộ năm
2008 đã quy định rõ việc nghiêm cấm người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy
chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50
miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Thế nhưng, phớt lờ các
quy định cấm đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn sử dụng rượu, bia vượt
ngưỡng cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thậm chí, không ít người còn mang suy
nghĩ tiêu cực khi cho rằng: uống vài cốc bia, vài ly rượu không bị vi phạm,
không gây ra tai nạn.
Nhằm răn đe, xử lý kịp thời vi phạm liên quan đến lỗi sử
dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mới đây, Bộ Công
an và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định
về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông
cơ giới đường bộ. Theo đó, những trường hợp phải xét nghiệm
nồng độ cồn trong máu được quy định tại Điều 3, gồm: “Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn
hoặc bị tai nạn giao thông hay người điều khiển phương tiện giao
thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công
an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra
nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra,
kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển
phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong
máu.
Việc quy định cụ thể các trường hợp
phải làm thủ tục xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là rất quan trọng. Qua đó tạo
cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý
đúng người, đúng tội. Bởi lẽ, pháp luật hiện nay cũng đã xây dựng chế tài cụ
thể cho từng trường hợp vi phạm về lỗi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao
thông.
Thông tư cũng quy định cụ thể về
trách nhiệm chi trả phí xét nghiệm, theo đó thì lần đầu tiên người điều khiển
phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ sẽ
phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Đối với việc thanh toán chi phí xét nghiệm
nồng độ cồn trong máu cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ không vi phạm luật Giao thông đường bộ thì tùy từng trường hợp mà bảo hiểm ý
tế hay chính cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm thanh toán chi phí xét nghiệm.
Có thể thấy, trách nhiệm chi trả phí xét nghiệm là rất rõ ràng, “ai sai thì phải chịu”. Việc tài chính
được nhìn nhận một cách cụ thể sẽ góp phần tạo thuận lợi trong quá trình thực
hiện và xử lý vi phạm.
Chờ đợi những hiệu ứng tích cực
Cuối
năm 2008, đầu năm 2009, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm
kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ
giới đường bộ. Hiệu quả đã thấy rõ, nhưng sau đó gặp phải phản ứng trái
chiều từ dư luận. Mà chủ yếu là thiếu hành lang pháp lý cho vấn đề này.
Thực
tế hiện nay, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe có sử
dụng rượu, bia quá nồng độ quy định còn rất khó khăn. Nhiều người vi phạm không
hợp tác khi CSGT yêu cầu thổi để thử nồng độ cồn, cố tình thổi sai, kéo dài
thời gian, hay một số trường hợp uống rượu, bia quá say không thực hiện được
việc thử nồng độ cồn, thậm chí còn lăng mạ, chống lại người thi hành công vụ
nên việc xử lý hành vi này còn nhiều khó khăn. Việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu bằng phương pháp
xét nghiệm có thể khắc phục được những mặt hạn chế của phương pháp cũ hơn nữa
lại cho kết quả chính xác nhất cho việc xử lý vi phạm. Trên thực tế đã có rất nhiều quốc gia áp dụng biện pháp này và thu
được kết quả rất tốt.
Xét
nghiệm nồng độ cồn trong máu là phương pháp mới, đem lại những hiệu quả không
nhỏ trong hoạt động phòng chống tai nạn giao thông, tuy nhiên chỉ nên thực hiện
trong những trường hợp đã gây thiệt hại và cần xác định nồng độ cồn trong máu
để chứng minh, hay các trường hợp cố tình chống đối hoặc không thể thực hiện
các biện pháp khác. Với các trường hợp cần kiểm tra còn lại, nên sử dụng máy đo
độ cồn trong hơi thở. Bởi lẽ việc áp dụng đại trà còn nhiều khó khăn như sự lo
ngại về khả năng vô khuẩn, vô trùng, có thể xảy ra các trường hợp sợ máu có thể
tụt huyết áp, ngất xỉu khi bị lấy máu.
Như vậy, Thông tư liên tịch số
26/2014/TTLT-BYT-BCA về việc
xét nghiệm nồng độ cồn (Etanol) trong máu sẽ góp phần xác định nguyên nhân TNGT
do sử dụng rượu, bia và nước uống có cồn. Không chỉ vậy, biện pháp này còn
giúp ngăn chặn các trường hợp chống đối và cho kết quả chính xác giúp xử lý hiệu
quả hành vi vi phạm của lái xe nhằm ngăn ngừa từ gốc các vụ tai nạn thảm khốc do các
“ma men” gây ra.
------------------------------------------
Mạnh Thắng
Công ty Luật Trung Nguyễn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét