
“Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân” có phải một hình thức “Ly thân”?
Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014
Việc chế định “ly thân” trong Dự thảo Luật Hôn nhân & gia đình sửa đổi không
được Quốc hội thông qua đồng nghĩa với việc, pháp luật nước ta hiện nay mới chỉ
thừa nhận hai phương thức giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là thông qua hòa giải
và thông qua việc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn. Có nhiều quan điểm
cho rằng việc đưa chế định “ly thân”
vào Luật là không cần thiết bởi Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2000 đã gián
tiếp thừa nhận chế định ly thân giữa vợ và chồng bằng việc cho phép “chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ
hôn nhân.” Xét dưới góc độ pháp lý liệu hai chế định này phải chăng có bản chất tương đồng?
“Ly thân” thường
được hiểu là sự tạm dừng việc chung sống giữa các cặp vợ chồng, do những bất đồng,
mâu thuẫn trong gia đình, mà thường là chưa có can thiệp về mặt hành chính,
pháp lý từ bên ngoài, nếu như không có những tranh chấp, xung đột thô bạo gia
đình. Dưới góc độ pháp lý, theo quan điểm trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình
sửa đổi, tại khoản 10 Điều 8 khái niệm “ly
thân” được hiểu là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ sống
chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu
của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.
Nếu như chế định ly thân đã được quy
định trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và ở miền Nam
(trong Bộ luật gia đình ngày 2/1/1959 dưới
chế độ Ngô Đình Diệm; Sắc lệnh số 15/64 ngày 23/7/1964; Bộ luật dân sự ngày
20/12/1972 của ngụy quyền Sài Gòn) thì hệ thống pháp luật dân sự về hôn
nhân gia đình của Nhà nước ta hiện nay lại không quy định vấn đề ly thân của vợ
chồng. Luật Hôn nhân và Gia đình 1986 được ban hành thay thế Luật Hôn nhân và Gia
đình 1959 bao gồm 57 điều không có điều khoản cụ thể nào quy định về chế định
này. Năm 2000, vấn đề ly thân được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn
nhân và Gia đình 1986 nhưng chưa được Quốc hội chấp nhận. Và sau 14 năm, đến
nay, vấn đề này một lần nữa đã được đưa vào trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật
Hôn nhân & Gia đình 2000 nhưng vẫn không được Quốc hội thông qua tại kỳ họp
thứ 7, Quốc hội khóa XIII ngày 19 tháng 06 năm 2014.
Bên cạnh những lý do khách quan được
đưa ra thì cũng có nhiều quan điểm cho rằng việc đưa chế định “ly thân” vào Luật là không cần thiết bởi
Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2000 đã gián tiếp thừa nhận chế định ly thân
giữa vợ và chồng bằng việc cho phép “chia
tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”.
Mặc dù giữa “ly thân” và “chia tài sản
chung vợ chồng” có những điểm tương đồng như không chấm dứt quan hệ hôn nhân
giữa vợ và chồng hay vợ hoặc chồng không được kết hôn với người
khác, song về bản chất, hai khái niệm này lại hoàn toàn khác nhau.
(Ảnh sưu tầm)
Thứ nhất, mục
đích của “ly thân” là một giải pháp tạm
thời để giải quyết phương diện tình cảm, giải tỏa xung đột vợ chồng, tạo cho họ
có một khoảng thời gian cần thiết để cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định có
ly hôn hay không. Còn “chia tài sản trong
thời kỳ hôn nhân” là nhằm giải quyết vấn đề tài sản để ổn định quan hệ hôn
nhân, đảm bảo lợi ích về tài sản của vợ, chồng các thành viên gia đình.
Thứ hai, theo
Điều 30 Luật Hôn nhân & Gia đình 2000, vợ chồng có quyền chia một phần hoặc
toàn bộ khối tài sản chung. Theo đó, chỉ những phần tài sản đã chia là thuộc
tài sản riêng của vợ chồng, những tài sản còn lại không chia thì vẫn nằm trong
khối tài sản chung. Như vậy, chế độ tài sản chung của vợ chồng vẫn tồn tại. Còn
đối với quy định về “ly thân” thì “cộng đồng tài sản sẽ chấm dứt vì án ly thân
hay biệt sản” (Điều 168, Bộ Dân luật Sài Gòn 1972), tức là chấm dứt chế độ tài sản
chung vợ chồng.
Vì thế, không thể đồng nhất quy định “chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời
kỳ hôn nhân” là một hình thức gián tiếp của “ly thân.”
Việc chế định “ly thân” trong Dự thảo Luật Hôn nhân & gia đình sửa đổi không
được Quốc hội thông qua đồng nghĩa với việc, pháp luật nước ta hiện nay mới chỉ
thừa nhận hai phương thức giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là thông qua hòa giải
và thông qua việc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn. Tuy nhiên, để đảm bảo tự do định
đoạt trong quan hệ vợ chồng; đáp ứng được yêu cầu từ thực tế cuộc sống hôn nhân
của các cặp vợ chồng Việt Nam hiện nay; góp phần công khai, minh bạch về tình
trạng hôn nhân và hòa nhập với xu hướng thừa nhận chế định ly thân trong luật
pháp của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay (Pháp, Đức, Thụy Điển, Thái Lan, Philippin, Singapore, một số bang của
Hoa Kỳ...) thì việc quy định chế định ly thân là cần thiết.
------------------------------------------
Hồng Phương
Công ty Luật Trung Nguyễn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét