“HÀNG KHÔNG CHẬM, LUẬT CŨNG CHẲNG NHANH”
Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014
(Luật Trung Nguyễn) - Chậm, hủy chuyến bay, vấn đề nóng của
hoạt động hàng không trong thời gian gần đây đã tác động tiêu cực đến lòng tin của khách hàng, của
người dân vào hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, đặc biệt
nó đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế. Trong
khi đó, pháp luật vẫn đang “dạo bước chậm
dãi” để lấp đầy lỗ hổng này.
Nếu trước đây di chuyển bằng máy bay được mặc định
là dịch vụ xa xỉ, chỉ dành cho giới nhà giàu thì ngày nay, ai cũng đi được máy
bay miễn là có… chứng minh nhân dân vì giá máy bay ở mức chấp nhận được. Với sự
phát triển của hàng không giá rẻ, một vé máy bay thậm chí không cao hơn nhiều
so với vé tàu hỏa. Trong khi đó, lợi ích mà nó mang lại lớn hơn rất nhiều: tiết
kiệm thời gian, đảm bảo sức khỏe, và có khi là tiết kiệm kinh tế nữa … Giá vé giảm
cùng với việc mua vé, thanh toán nhanh chóng, thuận lợi, khiến hàng không ngày
càng được lựa chọn nhiều hơn. Điều này được thể hiện rõ qua các con số thống
kê. Cụ thể, trong năm 2013, lượng khách nội địa đi lại bằng máy bay tăng cao
21,5%. Tới năm 2014, chỉ số này tiếp tục được cải thiện mạnh. Riêng quý 1/2014,
chỉ số này tăng 21% (nguồn: vtc.vn).
Ngành vận tải hàng không Việt Nam đã duy trì được sự tăng trưởng mạnh mẽ và vững
chắc, khẳng định được vị thế và vai trò của ngành hàng không quốc gia trong việc
thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương, cũng như thúc đẩy
hoạt động đầu tư, xúc tiến du lịch và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước.
Bên cạnh những tiến bộ đó, ngành hàng không Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” với hàng loạt sự cố về chậm
chuyến, hủy chuyến trong thời gian gần đây, các Bộ, ban ngành đã trực tiếp vào
cuộc để “mổ xẻ” vấn đề, vậy thực trạng chậm chuyến, hủy chuyến diễn ra như thế
nào?, nguyên nhân do đâu? và pháp luật hiện hành quy định ra sao?
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong sáu
tháng đầu năm nay, tình trạng chậm, huỷ chuyến bay tăng đột biến, bất thường: các
hãng Hàng không Việt Nam thực hiện 74 nghìn chuyến bay,
tỷ lệ chậm chuyến chiếm
20,9% (tăng 5,2 điểm), tỷ lệ hủy chuyến 3,2% (tăng 0,5 điểm) so cùng kỳ năm trước.
Trong đó tỷ lệ giữa các hãng hàng không là khác nhau, Vietjet Air và Jestar
Pacific lần lượt đứng đầu danh sách với tỷ lệ
hơn 40% chậm chuyến, còn ở Vietnam Airlines là 12% - một tỷ lệ quá cao, làm giảm
lòng tin của cộng đồng về chất lượng dịch vụ vận tải hàng không, gây búc xúc
trong xã hội. Bên cạnh đó, việc quan tâm, hỗ trợ hành
khách khi bị chậm chuyến chưa tốt, nhiều hành khách chịu cảnh vạ vật, lang
thang, ăn chực nằm chờ ở sân bay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại buổi họp bàn hướng khắc phục việc chậm, hủy chuyến bay
Ảnh: Tuấn Phùng
Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông vận tải đã vào
cuộc, “mổ xẻ” tận gốc vấn đề, tìm ra
nguyên nhân,“quả bóng trách nhiệm” không còn được đá đi, đá lại như trước. Từ Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, sau đó đến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
phải chịu trách nhiệm chính, rồi mới đến các hãng hàng không. Lâu nay, các cơ
quan quản lý Nhà nước chỉ "đứng trên
bờ" mà không "nhảy xuống
bơi" cùng doanh nghiệp, không biết được nước lạnh hay nóng, sóng to
hay nhỏ, cũng không hiểu được doanh nghiệp cần gì, làm thế nào để gỡ khó cho
doanh nghiệp. Trước hết là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không đó là Cục
hàng không Việt Nam chưa sâu sát thực tiễn, vẫn buông
lỏng trong việc quản lý, giám sát các hãng hàng không để ảnh hưởng đến chất lượng
phục vụ của ngành. Bản thân các hãng hàng không vì lợi nhuận của mình đã cố
tình dồn chuyến nên mới xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến, giống như ô-tô chạy
lòng vòng đón khách. Các hãng đều phải kinh doanh có hiệu quả kinh tế, nhưng nếu
cố tình bỏ quên quyền lợi của hành khách sẽ rơi vào cảnh kinh doanh chộp giật, "tham bát bỏ mâm", khách hàng
sẽ nhanh chóng quay lưng, uy tín thương hiệu bị giảm sút. Bên cạnh 2 nguyên
nhân chính nêu trên, còn có một số nguyên nhân khác như: cạnh tranh không lành
mạnh, lỗi kỹ thuật của máy bay, thủ tục an ninh, hải quan, hay ý thức của hành
khách … ảnh hưởng tiêu cực đến việc chậm, hủy
chuyến bay nhưng chỉ là những nguyên nhân thứ yếu.
Không thể
quy hết trách nhiệm cho các hãng hàng không, nhưng rõ ràng họ phải là chủ thể
chính chịu trách nhiệm về việc chậm, hủy chuyến bay. Là một bên của hợp đồng vận
chuyển hành khách, các hãng hàng không cũng có các nghĩa vụ của mình trong những
trường hợp chậm, hủy chuyến bay trong thời gian vừa qua. Cụ thể, theo quy định
tại Điều 145, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 thì:
“3. Trong trường hợp hành khách đã được xác
nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm mà không
phải do lỗi của hành khách thì người vận chuyển phải thông báo kịp thời, xin lỗi
hành khách, bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí có liên quan trực
tiếp phù hợp với thời gian phải chờ đợi tại cảng hàng không được quy định trong
Điều lệ vận chuyển.
4. Trong trường hợp hành khách đã được
xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm do lỗi
của người vận chuyển thì ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều
này, người vận chuyển còn phải thu xếp hành trình phù hợp cho hành khách theo
quy định trong Điều lệ vận chuyển hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng
theo yêu cầu của hành khách mà không được thu bất kỳ một khoản phí liên quan
nào.
5. Trong trường hợp do lỗi của người vận
chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận
chuyển hoặc chuyến bay bị huỷ mà không được thông báo trước thì người vận chuyển
có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này
và phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách…” (Điều
145, Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006)
Quy định trên cũng được hướng dẫn tại Điều 7,
Thông tư số 26/2009/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc vận
chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, như sau:
“2. Trường hợp hành khách đã nhận được
xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm do lỗi
của hãng hàng không, hãng hàng không có nghĩa vụ phục vụ hành khách theo quy định
như sau:
a) Thời gian chậm từ 02 (hai) giờ trở
lên phục vụ uống nhẹ;
b) Thời gian chậm từ 03 (ba) giở trở lên
phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm phục vụ: từ 06 giờ 00 hoặc đến
08 giờ 00 phục vụ bữa sáng; từ 12 giờ 00 đến 14 giờ 00 phục vụ bữa trưa; từ 19
giờ 00 đến 21 giờ 00 phục vụ bữa tối.
c) Đối với các chuyến bay trong ngày có
thời gian chậm từ 06 (sáu) giờ trở lên: bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện
thực tế của sân bay.
d) Đối với các chuyến bay bị chậm mà thời
gian hành khách phải chờ đợi dự kiến từ 06 (sáu) giờ trở lên trong khoảng thời
gian từ 22 giờ hôm trước đến 07 giờ sáng ngày hôm sau, hãng hàng không phải bố
trí phương tiện đưa đón khách về khách sạn, ưu tiên đối với hành khách đặc biệt.
đ) Chuyển đổi hành trình của hành khách
để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận
tiện nhất;
3. Trường hợp hành khách có vé và đã được
xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển do lỗi của hãng hàng
không, hoặc chuyến bay bị hủy do lỗi của hãng hàng không, hãng hàng không có
nghĩa vụ:
a) Thông báo cho hành khách
biết lý do;
b) Thực hiện các nghĩa vụ
quy định tại khoản 2 của Điều này;
c) Trả một khoản tiền bồi
thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách theo quy định pháp luật về bồi
thường ứng trước không hoàn lại;
d) Thực hiện nghĩa vụ thay
thế các nghĩa vụ quy định tại các điểm b và c của khoản này theo thỏa thuận với
hành khách.”
(Hình ảnh - minh họa)
Rõ ràng với những quy định nêu trên vẫn chưa có sức nặng đối với các hãng
hàng không, thực tế diễn ra là một minh chứng, các hãng hàng không đang thường
xuyên vi phạm hợp đồng vận chuyển, vi phạm nghĩa vụ của mình đối với hành khách
và cái thiếu ở đây đó là một chế tài xử phạt nghiêm khắc, xử lý những cá nhân
tổ chức dẫn đến việc chậm, hủy chuyến bay. Thiết nghĩ, vận tải hàng không ngày
càng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã
hội,….của đất nước, dự án Luật hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) cũng đã
được đưa vào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014,
cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc
đang tồn tại trong ngành hàng không, đặc biệt là tình trạng chậm, hủy chuyến
bay tăng đột biến và bất thường trong thời gian gần đây. Vì vậy, trong Tờ trình dự án luật cần được bổ
sung những quy định về trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với cả các cơ quan
quản lý nhà nước và các hãng hàng không, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng
không, củng cố, xây dựng niềm tin của cộng đồng vào vận tải hàng không, duy
trì, phát triển ngành hàng không phát triển vững bền.
-------------------------------------------
Nguyễn Đức Tùng
Tập sự Luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét