“ĐƯỜNG ĐUA”
Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014
(Luật
Trung Nguyễn) - Quy định pháp luật được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ
xã hội. Tuy nhiên, không ít trường hợp quy định pháp luật ra đời thiếu tính khả
thi và lạc hậu so với diễn biến của xã hội.
Trong
đời sống xã hội, con người luôn luôn tham gia vào những quan hệ xã hội đa dạng
và phong phú như: quan hệ hôn nhân, gia đình; quan hệ lao động; quan hệ tài sản;
quan hệ chính trị, … Các quan hệ đa dạng ấy có thể phát sinh trong hoạt động sản
xuất, công tác, học tập, sinh hoạt đời thường,… Bởi sự phong phú và không kém
phần phức tạp này mà các nó được điều chỉnh bởi một hệ thống các quy phạm: đạo
đức, tập quán, tôn giáo,... và đặc biệt là các quy phạm pháp luật. Theo quy định
của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, các cơ quan nhà nước có quyền
ban hành hoặc phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, người đưa
ra “luật chơi” cũng là người điều
hành, đảm bảo cho “cuộc chơi” được diễn
ra công bằng, khách quan. Nhưng trong thời gian gần đây, không ít những văn bản
quy phạm pháp luật gần gũi nhất và ảnh hưởng
trực tiếp tới
cuộc sống của người dân được ban hành, nhưng nó lại tạo ra một “cuộc đua pháp lý” mà cơ quan nhà nước
có thẩm quyền lúc này trở thành một “người
chơi bất đắc dĩ”.
(Nguồn - SCTV8)
Đường
đua đầu tiên phải kể đến là giá sữa. Cuộc đua này bắt đầu từ năm 2008, chính
sách giá trần về sữa được Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chắp bút, nhưng đã sớm
chết yểu. Bởi, các căn cứ pháp lý đều thiếu sức nặng. Khi đó, doanh nghiệp sữa chưa
bao giờ bị phạt về hành vi tăng giá quá mức, mặc dù rõ ràng, giá đã tăng quá sức
chịu đựng của người dân. Đến nay, khi đã có Luật Giá, cùng với các kết quả
thanh tra về giá sữa, Bộ Tài chính có đủ công cụ pháp lý để ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về
áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi,
đánh tan nghi ngờ của dư luận, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng. Thế
nhưng, quyết định công bố áp trần giá sữa của Bộ Tài chính mới chỉ là bước khởi
đầu, và phần thắng thuộc về ai thì vẫn chưa thể nói trước. Bởi rõ ràng, trong “đường
đua kinh tế”, doanh nghiệp sữa luôn có trăm nghìn kế sách để đối phó với cơ
quan quản lý Nhà nước. Bảng giá trần cho mặt hàng sữa còn chưa đi vào hiệu lực,
các doanh nghiệp sữa đã tung chiêu lách luật. Bằng chiêu “bình mới rượu cũ”,
Mead Johnson dự định khai tử 5 dòng sữa có mặt trong danh sách áp giá trần và dễ
dàng tăng giá những sản phẩm Enfamil và Enfagrow mà không cần xin phép. Không đổi
tên hay mẫu mã, một hãng sữa lớn khác của Mỹ là Abbott đã sử dụng bài "rút
ruột" và giữ nguyên giá để đối phó với bảng giá trần. Cụ thể dòng sữa
Pediasure bị giảm tới 50g, từ hộp 900g xuống còn 850g và tiếp tục áp giá
580.000 đồng. Khả
năng ứng biến, lách luật, giở thủ thuật như trên khiến không ít người lo ngại sữa
có thể “lọt lưới” giá trần một cách dễ
như bỡn ! Ngay sau khi có thông tin về các chiêu trò lách luật của doanh nghiệp
sữa, chiều ngày 27/5/2014, Bộ Tài chính đã họp báo khẩn và công bố Công văn 6544/BTC-QLG nêu rõ những hướng
dẫn cụ thể trong việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các mặt hàng
sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Công văn này đưa ra các chỉ dẫn về cách xác định
và quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ giá
bán buôn tới giá bán lẻ, các quy trình để đăng ký giá và những ví dụ cụ thể
trong việc tính giá sữa với cả những mặt hàng nằm ngoài danh sách 25 dòng sữa
đã bị áp giá trần. Chưa biết “cuộc đua pháp lý” này sẽ còn dai dảng đến bao giờ
? Nguyên nhân đến từ đâu ? Từ sự buông lỏng quản lý ? Lợi ích nhóm ? Hay từ quy
trình lập pháp ? Nhưng rõ ràng, nhà quản lý giá đang phải "vất vả" chạy
theo doanh nghiệp sữa.
(Hình ảnh - sưu tầm)
Tiếp
theo cuộc chạy đua về giá sữa, thì gầy đây nhất, “cuộc thi marathon trên trời” giữa những xe máy điện lại thu hút sự
chú ý của biết bao người dân Việc quy định đăng ký xe máy điện đã có trong Luật
Giao thông đường bộ năm 2008, hiệu lực từ ngày 1/7/2009, nhưng lại không siết
chặt chỉ bởi vì thời điểm ấy chưa có nhiều xe máy điện, và thế là cuộc đua diễn
ra dai dẳng trong gần 5 năm. Cho đến khi Thông
tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an ngày 4/4/2014 được ban hành và có hiệu
lực từ ngày 1/6/2014 thì việc đăng ký xe máy điện lại tiếp tục được siết chặt.
Dẫu biết rằng, đăng ký xe máy điện để đảm bảo công tác quản lý nhà nước là cần thiết nhằm kiểm
soát nguồn gốc, chất lượng, hạn chế việc gia tăng các vi phạm về trật tự an
toàn giao thông. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này cũng cho thấy, trước sự
phát triển nhanh chóng của các loại xe 2 bánh chạy điện thời gian qua thì việc
kiểm soát như thể… "thả gà ra đuổi".
Một lần nữa, trên “đường đua pháp lý” cơ quan ban hành pháp luật lại “chạy bộ” theo xe đạp điện. Điều đáng
chú ý, đây không phải cuộc chạy marathon bình thường, mà là “cuộc chạy đua trên trời” với những quy
định như: việc đăng ký xe máy điện phải có đầy đủ các giấy tờ như Giấy chứng nhận
chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe nhập khẩu), phiếu
kiểm tra chất lượng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì các loại giấy tờ
này lại chưa từng được đặt ra đối với doanh nghiệp nhập khẩu xe máy điện trước
đó, và hiện nay cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ, đồng
bộ cũng như thiếu quy định về một bộ hồ sơ đi liền với hàng hóa là xe máy điện. Một
mặt, người dân đang sở hữu xe máy điện không thể đăng ký vì thiếu giấy tờ của
xe, mặt khác cửa hàng bán xe máy điện cũng không thể lấy đâu ra loại giấy tờ
này để cung cấp cho người mua. Như vậy, có thể nói quy định hiện hành đang “đánh đố” người sản xuất, người nhập khẩu
cũng như người dân mua sắm hàng hóa tài sản là xe máy điện.
(Hình ảnh - sưu tầm)
Thiết
nghĩ, các quan hệ xã hội là phong phú và phức tạp nên
trong thực tế quy phạm pháp luật không thể điều chỉnh hết mọi quan hệ xã hội.
Nhưng những quan hệ xã hội mang tính phổ biến, gần gũi, cấp thiết với đời sống
dân sự của người dân như quản lý giá sữa, hay xe máy điện cần phải được điều chỉnh
bằng những quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, thực tế và hơn hết là một cơ chế
quản lý, bảo vệ pháp luật chặt chẽ, hữu hiệu hơn, tránh tình trạng cơ quan ban
hành pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước phải “chạy đua” với những chiêu trò lách luật, “chạy kịp” để cứu thua cho những bước đi lỏng lẻo.
------------------------------------------
Nguyễn Đức Tùng
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Nguyễn Đức Tùng
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét