Thừa nhận chế định mang thai hộ - cánh cửa mở cho những người hiếm muộn
Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014
Mang thai hộ chính thức đi vào luật. Thuyết phục được Quốc
hội vì tinh thần nhân đạo tốt đẹp, đồng thời cũng là dấu ấn pháp lý đáp ứng
nguyện vọng của hơn 700.000 cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam hiện nay (Theo
số lượng thống kê cuối năm 2013) Tuy nhiên, vấn đề này vẫn nhận không ít băn
khoăn về những hậu quả khôn lường nếu không được điều chỉnh đầy đủ và rõ ràng …
Với tỷ lệ 79,52% Đại biểu tán thành, chiều 19/06
Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, vấn đề “mang
thai hộ” từ lâu đã nhận được sự quan tâm nhất định của người dân, cùng với đó
là nhiều quan điểm trái chiều.
Theo Luật Hôn nhân và Gia
đình sửa đổi, mang thai hộ là hành vi lấy noãn của người vợ và tinh trùng của
người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau
tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác. Khi đó, tử cung
của người mang thai hộ sẽ giống như vườn ươm cho em bé.
(Ảnh sưu tầm)
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội
về nội dung này. Kết quả có 59,1% (237/401) đại biểu tán thành với việc
quy định vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật Hôn nhân
và gia đình (sửa đổi), 39,9% (160/401) đại biểu không tán thành bổ sung quy định này. Ủy ban
thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích
nhân đạo trong dự thảo Luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm
cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh
con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật
đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đa số đại biểu về quy định mang thai hộ
vì mục đích nhân đạo, quy định cụ thể điều kiện, nội dung thỏa thuận, quyền,
nghĩa vụ các bên chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương
mại.
Theo đó, Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi đã khẳng định:
“Điều kiện mang thai
hộ vì mục đích nhân đạo
1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện
trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các
điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người
vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh
sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau
đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng
nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm
quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có
sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với
các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Luật Hôn nhân gia đình
trước đây chưa có quy định đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP
về sinh con theo phương pháp khoa học đã nghiêm cấm hành vi mang thai hộ này.
Sự điều chỉnh của Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã được đông đảo người dân đón
nhận, bởi đây là quy định xuất phát từ tính nhân đạo. Không chỉ vậy, có một sự
thật là, cho dù luật pháp không điều chỉnh vấn đề này thì tình trạng mang thai
hộ, “đẻ thuê” … vẫn diễn ra. Tham gia vào nhiều diễn đàn xã hội lớn có đông đảo
các bậc phụ huynh quan tâm, không khó để bắt gặp những Topic như “Vợ
chồng mình lấy nhau đã nhiều năm, nhưng do hoàn cảnh nên không thể tự mang
thai. Mình cần tìm người mang thai hộ, yêu cầu là …” hoặc “Mình
năm nay 25 tuổi, đã sinh con một lần. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, đồng
thời cũng để tạo điều kiện giúp đỡ cho các bố, mẹ hiếm muộn nên mình đồng ý
mang thai hộ. Liên hệ với mình qua địa chỉ … “ Tuy nhiên, vì đây là
hành vi bị cấm cho nên việc tiến hành đều được thực hiện dưới dạng “chui”, không cơ sở nào được đưa ra
để quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi tham gia giao dịch này, cũng có
nghĩa là không được pháp luật bảo vệ. Có nhiều kẻ đã lợi dụng tình trạng hiếm
muộn, sự khao khát có một đứa con của chính các cặp vợ chồng trẻ để đem tính
nhân đạo ra kinh doanh, lừa đảo.
Như vậy, mang thai hộ
không chỉ dừng lại ở hiện tượng xã hội, mà nó còn là nhu cầu xã hội. Cùng với
Nhà nước, pháp luật ra đời nhằm điều chỉnh các mối quan hệ, pháp luật là phương
tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự, tạo điều kiện và định
hướng cho sự phát triển xã hội. Đó là lý do tại sao việc cụ thể hóa vấn đề này
dưới góc độ pháp luật lại được đông đảo người dân đón nhận đến vậy.
Tuy nhiên, như đã nói,
đây là một vấn đề quan trọng, nếu như không quy định đầy đủ, chi tiết sẽ dẫn
đến những bất cấp khó lường. Trước đây, khi vấn đề này chỉ xuất hiện trên
thực tiễn, đã có không ít câu hỏi được đặt ra: Trách nhiệm của mỗi bên khi tham
gia giao dịch? Việc kiểm soát tình trạng này như thế nào? Sự công nhận về mặt pháp
lý đối với sự ra đời của đứa trẻ được thực hiện ra sao? … Với tư cách là văn
bản pháp lý tối cao, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đã đưa ra định hướng rất
rõ ràng, theo đó việc mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện cơ bản nhất
định và kiểm soát chặt chẽ. Việc quy định đối tượng thực hiện phương pháp chỉ
có những người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc chồng đã giải quyết được tối ưu
tình trạng cò mồi, kinh doanh, lừa đảo hay thương mại hóa hành động vốn rất
nhân văn này. Tuy nhiên như thế nào được coi là "người thân thích cùng hàng"? Đây là một khái niệm tương đối trừu tượng, rất dễ gây hiểu nhầm và cần thiết phải được hướng dẫn chi tiết. Hiện chưa có văn bản nào quy định trực tiếp người thân thích bao gồm những đối tượng nào. Ngoài ra, Luật cũng có các điều khoản để giải quyết những rắc rối
phát sinh. Đáng chú ý, việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con (của người mang thai hộ) theo chính sách
DS - KHHGĐ. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang
thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con. Nếu bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền
yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con. Trong trường hợp bên nhờ mang
thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bên
nhờ mang thai hộ… Đồng thời, Chính phủ phải có trách nhiệm ban hành các văn bản
dưới Luật hướng dẫn cụ thể vấn đề này để ý nghĩa nhân văn của mang thai hộ được
đảm bảo thực thi trên thực tế. Thêm một cơ hội làm cha làm mẹ được mở ra cho
tất cả các cặp vợ chồng, cơ hội để có thêm những gia đình trọn vẹn với tiếng
khóc, cười của con trẻ.
--------------------------------------------------
TSLS - Hồng Mây
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
TSLS - Hồng Mây
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét