Cây xanh đè chết người - Trách nhiệm thuộc về ai?
Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014
"Phủi
tay” chối bỏ trách nhiệm khi cây xanh “đè” chết người xảy ra và cho rằng đó
là sự kiện bất khả kháng. Có hay không sự thiếu trách nhiệm từ phía cơ quan quản
lý cây xanh hay do buông lỏng quản lý từ các cơ quan có thẩm quyền?
Trong thời gian qua đã có không ít những trường hợp người
tham gia giao thông bị cây xanh trong đô thị đổ, đè vào người, phương tiện. Có
những trường hợp nạn nhân bị thương, phương tiện bị hư hỏng nặng, nhưng cũng có
những trường hợp gây ra đã có thiệt hại về tính mạng xảy ra. Gần đây nhất là
trường hợp chiếc xe taxi BKS 29A-973.24, khi đang chở khách đi trên đường Hùng
Vương vào tối ngày 4/6/2014 đã bị một cây xà cừ cổ thụ đổ đè ngang xe. Hậu quả
khiến lái xe tử vong tại chỗ, hành khách ngồi phía sau bị thương nhẹ. Đây chỉ
là một trong số hàng chục các vụ việc cây đè, đổ chết người trong những năm qua
trong nội thành cách thành phố lớn trong cả nước. Hậu quả đã xảy ra, nhưng
trách nhiệm về việc để cây xanh đè người sẽ thuộc về ai, hay cơ quan nào? Và
ai, cơ quan nào phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại đã xảy ra cho
các nạn nhân và gia đình nạn nhân? Thì vẫn chưa có câu trả lời. Bài viết dưới
đây dưới góc độ phân tích các quy định của pháp luật sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
(Ảnh sưu tầm)
Hiện nay, vấn đề bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra đã
được Bộ luật dân sự 2005 ghi nhận tại Điều 626, theo đó chủ sở hữu phải bồi
thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra. Chủ sở hữu ở đây là cơ quan có thẩm
quyền đã ký hợp đồng về việc quản lý cây xanh với đơn vị quản lý cây xanh. Theo
đó thì với tư cách là bên được chủ sở hữu cây xanh trên địa bàn giao thực hiện thì
đơn vị quản lý cây xanh đô thị có các nhiệm vụ như quy hoạch, trồng, chăm sóc,
ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị (khoản 1 Điều 2 Nghị định
64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị). Cũng tại nghị
định này tại khoản 3 Điều 11 có quy định chung về việc trồng, chăm sóc cây
xanh đô thị, trong đó có quy định rõ việc cây trồng phải được định kỳ chăm sóc,
kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có các biện pháp theo
dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
Bên cạnh đó, trong quá trình trồng cây xanh trong đô thị cũng cần tuân thủ những
quy định về tuyến đường, khoảng cách giữa cách cây, khoảng đất trồng cây để lựa
chọn những loại cây phù hợp. Ví dụ như tại điểm a khoản 3 Mục II Thông tư số
20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị có
quy định đối với các tuyến đường lớn có chiều rộng hè phố trên 5m nên trồng các
cây loại 2 hoặc loại 3 (cây loại 2 “cây
trung mộc” là những cây có chiều cao trưởng thành trung bình, cây loại 3 “cây địa
mộc” là những cây có chiều cao trưởng thành lớn) theo quy định phân loại
cây đô thị tại địa phương.
Như vậy, nếu trong
trường hợp xác định được đơn vị có trách nhiệm quản lý cây xanh không thực hiện
đúng trách nhiệm của mình về quản lý cây xanh, quá trình trồng, chăm sóc không
đúng theo quy định của pháp luật, hoặc trong quá trình chăm sóc, kiểm tra đã biết
hoặc phải biết những cây nào có nguy cơ đổ, gãy khi có mưa to, gió lớn thì khi
cây đổ, đè gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản cho người khác thì về
nguyên tắc chủ sở hữu cây xanh sẽ phải bồi thường thiệt hại - tức là cơ quan có
thẩm quyền ký hợp đồng quản lý cây xanh với đơn vị thực hiện việc quản lý cây
xanh; sau đó mới xác định trách nhiệm hoàn trả hay bồi thường, phạt hợp đồng
theo nội dung mà cơ quan có thẩm quyền đã ký kết với đơn vị cây xanh. Bồi thường
thiệt hại trong trường hợp này được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự 2005 thì về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, thiệt hại
phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi
thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật…phương thức bồi thường một
lần hoặc nhiều lần. Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, thì khoản bồi thường
sẽ được căn cứ theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005, thiệt
hại do sức khỏe bị xâm phạm sẽ căn cứ vào Điều 609 Bộ luật dân sự để bồi thường.
Nếu có thiệt hại về tài sản thì các khoản bồi thường sẽ được căn cứ theo Điều
608 Bộ luật dân sự 2005.
Chủ sở hữu chỉ không phải bồi thường thiệt hại do cây cối
gây ra, trong trường hợp khi mà thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của phía người
bị thiệt hại, hoặc do sự kiện bất khả kháng. Thiệt hại do lỗi của phía người bị
thiệt hại ở đây được hiểu là, trường hợp người bị thiệt hại do lỗi cố ý, tức là
người bị thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho mình hoặc
người khác mà vẫn thực hiện, và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý
thức để mặc cho thiệt hại xảy ra (cố ý trực
tiếp và cố ý gián tiếp). Lỗi vô ý ở đây là, trường hợp người bị thiệt hại
không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết
hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có
khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể
ngăn chặn được. Trường hợp lỗi này hiện nay trong khoa học pháp lý được goi là
lỗi vô ý do quá tự tin, và lỗi vô ý do cẩu thả. Bên cạnh yếu tố lỗi của phía
người bị thiệt hại, thì sự kiện bất khả kháng cũng được coi là trường hợp chủ sở
hữu cây xanh không phải bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra. Theo quy
định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2005, thì sự kiện bất khả kháng
được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và
không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng
cho phép.
Như đã phân tích ở trên, đơn vị quản lý cây xanh có trách
nhiệm trồng, chăm sóc, kiểm tra, chặt hạ những cây có nguy cơ gãy, đổ (cây nguy hiểm). Do vậy, với tư cách là
đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh thì đơn vị phải biết rằng
những cây nào sẽ thuộc diện “cây nguy hiểm”,
sẽ có khả năng gãy, đổ trong mùa mưa, bão; và điều này sẽ gây nguy hiểm tới
tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông. Trong trường hợp
chưa thực hiện việc chặt hạ ngay được thì cần có những cảnh báo hay khoanh vùng
cấm đi lại để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Do đó, việc không chặt hạ hay không có những cảnh báo kịp thời
tới người tham gia giao thông trong khu vực có cây có nguy cơ đổ, gãy là lỗi từ
phía đơn vị quản lý cây xanh, và không được coi là trường hợp bất khả kháng. Việc xác định mức độ nguy hiểm của cây cũng
như giảm sự nguy hiểm và bảo tồn cây xanh cũng đã được quy định rõ tại khoản
4, 5 Mục III thông tư số 20/2005/TT-BXD. Tại khoản 4 có quy định rõ:
“Cây nguy hiểm phải được
xác định mức độ nguy hiểm có thể tác động tới người, phương tiện và công trình,
trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục hoặc lập kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển
cây…”
Về việc giảm sự nguy hiểm và bảo tồn cây xanh theo điểm d
khoản 5:
“Có kế hoạch kiểm tra
thường xuyên phát hiện cây nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời…”
Như vậy, trong trường hợp người bị thiệt hại về tính mạng, sức
khỏe, tài sản do cây xanh trong đô thị gây ra thì có thể yêu cầu đơn vị quản lý
cây xanh bồi thường thiệt hại, hoặc yêu cầu UBND cấp quận, huyện địa bàn có cây
xanh mà đã ký hợp đồng với đơn vị quản lý cây xanh đã gây ra thiệt hại để yêu cầu
được bồi thường với tư cách là chủ sở hữu cây xanh hoặc làm đơn khởi kiện vụ việc
ra Tòa án nhân dân yêu cầu giải quyết . Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường
thiệt hại đã được quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2005, theo
đó thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 (hai) năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp
nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
-------------------------------------------------
TSLS - Vũ Quang Bá
Công ty Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét