Bảo lãnh phương tiện giao thông do vi phạm hành chính - thông tin pháp luật
Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014
Ngày 18/11/2013, Nghị
định số: 115/2013/NĐ – CP (“Nghị
định 115”) về quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính bị tạm giữ; tịch thu theo thủ tục hành chính do Chính phủ ban hành
sẽ chính thức có hiệu lực. Sự ra đời của Nghị định 115 đã thay thế cho một số
quy định cũ về vấn đề này, được đánh giá là có những thay đổi phù hợp với thực
tiễn, xuất phát từ yêu cầu của người dân; đặc biệt, những quy định về “bảo lãnh phương tiên giao thông bị tạm giữ
do vi phạm hành chính” là vấn đề rất
mới, được đông đảo người dân quan tâm. Việc tìm hiểu vấn đề rất cần thiết, đảm
bảo công tác phổ biến pháp luật sâu rộng cho nhân dân.
(Ảnh sưu tầm)
Trước khi đi sâu vào từng
quy định, cần phải có một cái nhìn cụ thể về vấn đề “bảo lãnh tài sản”, và sâu hơn nữa, là “bảo lãnh phương tiện giao thông.”
Điểm 1 Khoản 1 Điều 1
Nghị định số 11/2012/NĐ – CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số: 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm khẳng định:
“Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng
quyền sử dụng đất của mình, dùng uy tín hoặc cam kết thực hiện công việc đối
với bên nhận bảo đảm để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình
hoặc của người khác, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký
cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong
trường hợp tín chấp”.
Xuất phát từ quy định
trên, Nghị định 115 đã có những tiến bộ đáng kể so với Nghị định số: 22/2009/NĐ-CP
ngày 24/02/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 70/2006/NĐ-CP
ngày 24/07/2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ
tục hành chính khi bổ sung quy định “Giao phương tiện giao thông vi phạm hành
chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản” khi tổ chức cá nhân đó có khả
năng tài chính để bảo lãnh cho chính phương tiện của mình.
Hiểu một cách đơn giản
hơn, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính, đối tượng vi phạm là
phương tiện giao thông bị tạm giữ theo quy định có thể nộp một khoản tiền (tài
sản) để có thể trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện trong thời gian xử phạt
thay vì giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện công việc đó. Việc
chuyển giao trách nhiệm quản lý này phải được đặt dưới sự quản lý của cơ quan
có thẩm quyền. Điều kiện để được bảo lãnh cũng được quy định rõ ràng tại Khoản
1 Điều 14 của Nghị định. Theo đó:
“a) Cá nhân vi phạm phải
xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị
về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng
được Ủy ban nhân dân xã, phường,thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương
tiện đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định này;
b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền
bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.”
Tuy nhiên, xung quanh vấn
đề “bảo lãnh phương tiện giao thông vi
phạm hành chính” này còn tồn tại nhiều ý kiến trái nhiều.
Điều đầu tiên phải khẳng
định, đây là một sự thay đổi tiến bộ của pháp luật liên quan đến công tác quản
lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Lần đầu tiên có một quy định tạo điều kiện
để chủ sở hữu có cơ hội được trực tiếp quản lý, bảo quản tài sản vi phạm. Trước
đây, phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ đều do cơ quan có
thẩm quyền thực hiện công tác quản lý, bảo quản. Do điều kiện cũng như kinh phí
dành cho công tác bảo quản cũng như một số nguyên nhân khách quan mà công tác
quản lý chưa được chú trọng. Không ít trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ
được đưa vào kho bãi ngoài trời, phơi nắng phơi mưa, gậy thiệt hại nghiêm trọng
đến tài sản của người dân. Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 70/2009/NĐ –
CP còn khẳng định: “Tuỳ vào tình
hình thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quyết định hình thức, quy mô thiết kế xây dựng nơi tạm giữ tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính ở địa phương mình.” Đây là một quy định rất bất cập,
vì không có một tiêu chuẩn chung nhất để đảm bảo tối thiểu cho phương tiện vi
phạm. Đến khi có thiệt hại xảy ra do thiếu điều kiện bảo quản thì trách nhiệm
thuộc về ai? Biện pháp xử lý như thế nào? Rõ ràng, người dân vẫn là người chịu
thiệt thòi nhất.
Thêm vào đó, việc giao
cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác quản lý, bảo quản phương tiện vi
phạm sẽ chiếm một khoản chi phí không nhỏ, liên quan đến việc: xây dựng kho
bãi, tiền lương cho cán bộ trực tiếp quản lý.
Tạo điều kiện để chủ sở
hữu phương tiện giao thông vi phạm đươc trực tiếp bảo quản tài sản của mình
cũng là giảm gánh nặng cho Nhà nước trong công tác quản lý. Đồng thời đáp ứng
được nguyện vọng của người dân, hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.
Bên cạnh việc bổ sung quy
định về bảo lãnh phương tiện vi phạm, Nghị định 115 tiếp tục có những sửa
đổi,bổ sung cụ thể hơn đối với công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện
của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, nơi tạm giữ tang
vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải bảo đảm an toàn về phòng, chống
cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Đồng thời, Bộ Công an
sẽ có quy định cụ thể đối với điều kiện của nơi tạm giữ, thay vì tùy tiện như
trước kia. Trên cơ sở điều kiện đó, căn cứ vào tình hình thực tế, Chủ tịch UBND
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hình thức, quy mô thiết kế xây
dựng sao cho phù hợp nhất. (Điều 6)
Nghị định cũng có những
quy định rất rõ ràng về mức tiền bảo lãnh, thủ tục bảo lãnh cũng như giao nhận
phương tiện vi phạm.
Tuy nhiên, quy định tiến
bộ nhưng nếu không được khai thác triệt để hoặc chưa rõ ràng có thể mắc phải
một số hạn chế nhất định.
Thứ nhất, bên bảo lãnh ở đây chỉ được áp dụng
đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Nghĩa là quy định bảo lãnh trong Nghị định
115 bị giới hạn với bên thứ ba. Trong khi đó theo Điều 361 Bộ luật dân sự thì:
“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh)
cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa
vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến
thời hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ".
Phải chăng trong trường
hợp này đã có sự mâu thuẫn xảy ra?
Thứ hai, liên quan đến các trường hợp không được bảo lãnh được liệt kê tại Khoản
5 Điều 15 của Nghị định. Quy định này mới chỉ đảm bảo được việc liệt kê mà chưa
xác định được trách nhiệm chứng minh các trường hợp đó thuộc về ai – chủ sở hữu
của phương tiện vi phạm hay cơ quan Nhà nước trực tiếp phụ trách? Chưa kể công
tác xác minh trong một số trường hợp mất rất nhiều thời gian, đến lúc đó công
tác bảo lãnh có còn ý nghĩa nữa không?
Thứ ba, cũng theo khoản 6 Điều 14 của Nghị định “trong thời gian được giao giữ,
bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm … xảy ra mất, bán, đánh
tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì
phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.”Tuy nhiên xử lý
như thế nào thì lại chưa được đề cập cụ thể. Và việc xử lý đó có cần thiết
không khi trách nhiệm lúc này đã được chuyển giao cho chính tổ chức, cá nhân vi
phạm?
Liên quan đến trách nhiệm trong
quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, Nghị định đã
khẳng định: “Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng,
mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách
nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản
lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và
người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý,bảo quản tang vật, phương
tiện.”
Cũng liên quan đến vấn đề
này, Nghị định 70 cũ khẳng định: “Trong quá trình quản lý tang vật, phương tiện
bị tạm giữ, người trực tiếp quản lý để xẩy ra mất, mua bán trái phép, đánh tráo
hoặc hư hỏng do lỗi của mình gây ra thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có
thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường; thủ
trưởng trực tiếp của người đó phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của
pháp luật.”
Như vậy, đã có một sự chuyển giao
trách nhiệm giữa người ra quyết định tạm giữ và người trực tiếp quản lý. Thay
vì chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới, thì theo quy định mới, người ra quyết
định tạm giữ lúc này sẽ phải chịu trách nhiệm chính đối với việc bồi thường
thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý lúc
này ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật ra còn phải chịu trách nhiệm trước
người ra quyết định.
Tuy nhiên, nếu như theo
quy định cũ thì việc bồi thường và xử lý chỉ áp dụng khi có lỗi từ phía người
trực tiếp quản lý; đồng thời phải căn cứ vào tính chất cũng như mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, những điều kiện này không được ghi nhận tại Nghị định 115. Xét thấy,
việc phải bổ sung những điều kiện này sẽ đảm bảo hơn cho cán bộ quản lý thực
hiện nhiệm vụ.
Về cơ bản, Nghị định 115 đã có
những thay đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế, đáp ứng
phần nào yêu cầu của người dân, các vấn đề cũng được phát triển tương đối đầy
đủ, rõ ràng. Cần nhanh chóng ban hành Thông tư hướng dẫn để đảm bảo cho công
tác thực hiện, áp dung vào đời sống, tránh tình trạng lúng túng, thực thi một
cách cứng nhắc, gây hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích
chính đáng của người dân.
TSLS - Hồng Mây
Công ty TNHH Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét