Quyền lợi của lao động là người giúp việc trong gia đình
Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014
Vấn đề lao động là người giúp
việc trong gia đình được quy định từ Điều 179 đến Điều 183 Bộ luật
Lao động năm 2012 và được cụ thể hóa trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP
hướng dẫn Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình.
Mặc dù trong
các quy định tại Bộ luật Lao động không có quy định riêng về quyền của người lao động là người
giúp việc trong gia đình nên quyền của người lao động là giúp
việc trong gia đình được hiểu từ nghĩa vụ của người sử dụng lao
động đối với người lao động là giúp việc trong gia đình, bao gồm:
1. Được người sử dụng lao động
thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động
như:
- Thực
hiện đầy đủ các thỏa thuận về thời hạn thực hiện hợp đồng lao
động. Các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ
khi nào nhưng phải thực hiện nghĩa vụ báo trước;
- Thực hiện các thỏa thuận về tiền lương, hình thức trả lương,
kỳ hạn trả lương ... Mức tiền
lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao
gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động
nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người
sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của
người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng
lao động.
- Thực hiện các
thỏa thuận về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ hằng
tuần, hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ tết:
2. Người giúp việc gia đình được trả khoảng tiền bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự
lo bảo hiểm;
Tại Điều 19
Nghị định 27/2014/NĐ-CP có quy định: “Người
sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng một lúc với kỳ
trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của
người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm”.
3. Người sử dụng lao động phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của
người lao động là giúp việc trong gia đình;
4. Được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ,
hợp vệ sinh (nếu có thỏa thuận);
5. Được tạo cơ hội tham gia học văn
hóa, học nghề;
Khi người
lao động có yêu cầu, người sử dụng lao động bố trí thời gian để
người lao động học văn hóa, học nghề. Thời gian cụ thể để người lao
động học văn hóa, học nghề do hai bên thỏa thuận. (Điều 14 Nghị định
27/2014/NĐ-CP).
6. Người giúp việc gia đình được trả
tiền tàu xe đi đường khi thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp
người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
(Ảnh sưu tầm)
Thời gian qua, Bộ luật Lao động
năm 2012 được thông qua với 05 điều quy định về lao động là người giúp
việc gia đình đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của dư luận.
Việc công nhận loại hình lao động này không chỉ đảm bảo quyền lợi
cho người lao động mà còn đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng lao
động. Nghị định 27/2014/NĐ – CP ra đời quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động đối với lao động là
người giúp việc gia đình đã tạo thêm cơ sở pháp
lý để thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao
động, từ đó tiến tới từng bước tới tạo dựng sự bình đẳng trong mối quan hệ vốn
khá nhạy cảm này. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, để những quy định
trên đi vào đời sống không dễ, nếu chưa có những quy định cụ thể hơn về mặt
pháp lý.
- Thứ nhất, phải tiếp tục nâng cao vai trò của chính
quyền cấp cơ sở. Trong thời gian qua, những hệ lụy do thực trạng giúp việc
gia đình bằng hợp đồng miệng khá nhiều. Nó không chỉ đẩy người lao động đứng
trước nguy cơ bị bạo hành, quấy rối tình dục mà còn nảy sinh nhiều tranh chấp,
tệ nạn như mất cắp, bắt cóc do người giúp việc gây nên. Phía chính quyền địa
phương cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý vì chưa có sự ràng buộc về pháp lý
nên rất khó quản lý và xử phạt. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị
định 27/2014/NĐ - CP là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền địa
phương giám sát cũng như siết chặt quản lý về dân cư. Việc thực hiện các quy định
mới này bước đầu có thể gặp khó khăn do thực tế còn tồn tại như nhiều người sử
dụng lao động không trình báo có thuê giúp việc. Song nếu quy định bắt buộc phải
ký kết hợp đồng và phải trình báo với chính quyền sở tại thì lúc ấy cơ quan chức
năng mới có sự giám sát và cơ chế bảo vệ cả người giúp việc và người sử dụng
lao động.
- Thứ hai, phải từng bước thay đổi nhận thức của người giúp
việc gia đình. Là đối tượng được các quy định trên của pháp luật
bảo vệ song nhiều người giúp việc tỏ ra khá thờ ơ với quy định này.
Họ quan niệm, làm nghề này không chỉ đơn thuần là làm công ăn lương mà còn
đối xử với nhau bằng tình người. Ăn, ngủ và sinh hoạt chung dưới một mái nhà nếu
cứ phải ràng buộc nhau bằng văn bản, quy định rất khó sống. Tuy giữa họ và
chủ nhà không ký hợp đồng lao động, chủ nhà cũng không cho tiền đóng
bảo hiểm nhưng mỗi khi đau ốm chủ nhà đều tận tình đưa đi khám xét,
thuốc thang. Chính vì vậy, họ cũng không muốn có thêm một ràng buộc
gì về mặt giấy tờ. Đây là quan điểm của đại đa số người giúp việc
hiện nay. Vì vậy, mặc dù các quy định về người giúp việc đã được đề cập trong Bộ luật Lao động
năm 2012 và Nghị định 27/2014/NĐ-CP song đến nay, người lao động, người
sử dụng lao động và thậm chí cả cán bộ lao động vẫn chưa biết tới
các quy định này. Do đó, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cần phải
kiên quyết vào cuộc, tuyên truyền cũng như giám sát việc thực thi các
quy định của pháp luật về người giúp việc vào thực tế cuộc sống.
Đỗ Thị Tùng
Tập sự hành nghề luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét