Cho vay không có bảo đảm - kẽ hở trong hệ thống pháp luật?
Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014
Quy chế cho vay đang được các ngân hàng áp dụng là Quy chế
cho vay được ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của NHNN
Việt Nam
đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005.
Căn cứ Quy chế cho vay của NHNN Việt Nam , các ngân hàng thương mại trên
cơ sở chính sách phát triển, tình hình vốn điều lệ, hoạt động kinh doanh cụ thể
của ngân hàng mình để xây dựng quy trình, quy định, quy chế, hướng dẫn cho vay
phù hợp từng thời kỳ.
Thực tiễn, trong các vụ án hình sự xét xử CBNV ngân hàng vi
phạm quy định về cho vay theo Điều 179 BLHS 1999 trong thời gian qua đã cho
thấy, cho dù các văn bản quy phạm pháp luật (bộ luật, luật, nghị định, thông
tư,…) hoặc các văn bản hướng dẫn (quyết định, nghị quyết, công văn, chỉ thị,…)
không quy định chi tiết, cụ thể hoạt động, hành vi như các CBNV ngân hàng đã
thực hiện nhưng các cơ quan tố tụng vẫn quy buộc CBNV ngân hàng về tội vi phạm
các quy định về hoạt động cho vay.
Trong trường hợp trên, việc các cơ quan tố tụng truy cứu trách
nhiệm hình sự CBNV ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý hay không còn là một vấn đề
còn nhiều tranh cãi bởi các quy định của pháp luật còn quá chung chung và không
cụ thể nên khó truy tố được các cán bộ ngân hàng vi pham.
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 179 BLHS năm 1999 có quy định về tội
vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng như sau :
“1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các
hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng
đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm
a, Cho vay không có
bảo đảm trái quy định của pháp luật”
(Ảnh sưu tầm)
Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 178/1999/NĐ-CP
ngày 29/12/1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 85/2002/NĐ-CP
ngày 25/10/2002 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng thì
việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản được quy định cụ thể và chi tiết về
các trường hợp áp dụng, điều kiện áp dụng và việc thực hiện cho vay theo quan
điểm hạn chế hoặc theo những trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm theo
chỉ định của Chính phủ.
Theo đó, hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định pháp
luật sẽ được hiểu là những trường hợp CBNV ngân hàng quyết định cho vay không
phù hợp hoặc không đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể như cho vay đối với các
khách hàng không có tín nhiệm; phương án đầu tư hoặc sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ không khả thi, không hiệu quả; không có khả năng tài chính để thực hiện
nghĩa vụ trả nợ hoặc cho doanh nghiệp vay nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay
như phải kinh doanh có lãi trong hai năm liền kề với thời điểm xem xét cho vay
gây hậu quả nghiêm trọng thì từng trường hợp cụ thể có thể bị cơ quan tố tụng
truy cứu trách nhiệm hình sự theo hành vi thuộc Điểm a khoản 1 Điều 179 BLHS.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP
ngày 29/12/2006 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay thay thế Nghị định số 178 nêu
trên thì không có quy định cụ thể về việc cho vay không có bảo đảm bằng tài
sản. Nguyên nhân có sự thay đổi này là do sự phát triển rất đa dạng của các
ngân hàng thương mại mà trong đó vốn chủ sở hữu không chỉ thuộc về Nhà nước mà
còn có sự góp vốn của tổ chức, cá nhân khác.
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng hiện nay rất đa dạng
về nghiệp vụ cũng như khách hàng. Do vậy, việc không quy định cụ thể về cho vay
không có tài sản bảo đảm sẽ tạo điều kiện mở cho các ngân hàng trong việc quyết
định dịch vụ cho vay và các chính sách tín dụng để thu hút khách hàng, tăng lợi
nhuận và phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, đánh giá theo quy định pháp luật thì về
bản chất ngân hàng cũng là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp
nên việc quyết định hoạt động kinh doanh, tức cho vay không có bảo đảm như thế
nào là quyền của doanh nghiệp - ngân hàng đó.
Nghị định số 163/2006/NĐ - CP chỉ quy định một
mục riêng về việc cho vay tín chấp (vay
bằng uy tín) với một số đối tượng, trường hợp cụ thể. Đến nay, Nghị định số
163
/2006/NĐ- CP vẫn chưa có thông tư, quyết định hay văn bản hướng dẫn
khác của NHNN VN và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan. Như vậy, về bản
chất việc vi phạm theo hành vi cho vay không có bảo đảm trái pháp luật như điều
luật nêu đến nay hầu như chỉ còn để tham khảo, thực tế thì từ ngày Nghị định
trên ra đời và có hiệu lực từ tháng 01/2007 đến nay, hiếm thấy có trường hợp
nào CBNV ngân hàng bị khởi tố, truy tố và tuyên án theo hành vi thuộc Điểm
a khoản 1 Điều 179 BLHS)
Nguyễn Trung Trực
Tập sư hành nghề Luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét