Bàn về Quy định mới trong đăng ký xe
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
Ngày 01 tháng 6 năm 2014, thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04
tháng 4 năm 2014 quy định về đăng ký xe sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Có
một nội dung đáng chú ý trong thông tư này là quy định về việc chủ
sở hữu xe khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe thì phải thông báo bằng
văn bản (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo thông tư 15/2014/TT-BCA) đến cơ quan
đã cấp giấy chứng nhận xe đó để theo dõi.
(Ảnh sưu tầm)
Về thực chất quy định này được ban hành để giải quyết những
trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện việc điều chuyển, bán,
cho, tặng xe cho người khác nhưng một trong hai bên chưa tiến hành làm thủ tục
đăng ký sang tên, di chuyển xe. Bởi lẽ có một thực tế hiện nay xảy ra là trong
thời gian chưa làm thủ tục đăng ký sang tên hay di chuyển xe thì xe đã được
giao cho bên mua, bên được tặng cho xe để chiểm hữu và sử dụng. Trong trường hợp
người sử dụng chiếc xe đó gây tai nạn hoặc có vi phạm về hành chính, hay dùng
chiếc xe làm phương tiện thực hiện tội phạm thì lúc này sẽ gây khó khăn cho các
cơ quan chức năng trong việc xác định ai là người sử dụng xe (trong trường hợp người sử dụng bỏ trốn sau
khi có hành vi vi phạm pháp luật) để buộc phải chịu TNHS, trách nhiệm hành
chính hay vấn đề bồi thường thiệt hại.
Do các loại phương tiện được liệt kê tại Điều 1 thông tư này
thuộc vào trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, nên theo quy định tại
khoản 2 Điều 439, Điều 466 Bộ luật dân sự 2005 trong trường hợp chủ xe bán, hay
tặng cho xe thì quyền sở hữu chỉ được coi là đã chuyển cho người mua, hay người
được tặng cho kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với
chiếc xe đó. Do đó, trong trường hợp một trong các bên chưa làm thủ tục đăng ký
sang tên, di chuyển xe thì giao dịch dân sự này chưa phát sinh hiệu lực, trên
thực tế chiếc xe vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ xe (bên bán hay bên tặng cho). Chính vì vậy, những quyền, nghĩa vụ
cũng như trách nhiệm của chủ xe vẫn còn, nó chỉ chấm dứt khi và chỉ khi chủ xe
hoặc bên mua, bên được tặng cho xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Điều này cho thấy quy định tại khoản 2 Điều 6 về trách nhiệm của chủ xe trong
thông tư 15/2014/TT-BCA là chưa thật sự hợp lý, trái ngược với quy định của Bộ
luật dân sự 2005 khi quy định: “Trường hợp
chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về
chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ
tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”. Theo như quy định này thì vô hình
chung đã công nhận việc chủ xe chỉ cần có thông báo đến cơ quan đã cấp giấy chứng
nhận đăng ký xe thì sẽ được loại trừ trách nhiệm về chiếc xe đó ngay cả trong
trường hợp bên mua hay bên được tặng cho chưa làm thủ tục đăng ký sang tên.
Nhưng đối chiếu với quy định của pháp luật thì trong trường
hợp mặc dù chủ xe đã thực hiện việc bán,
tặng cho xe nhưng chưa làm thủ tục đăng ký sang tên thì cho dù đã có thông báo hay
chưa có thông báo việc mua – bán, tặng cho hay điều chuyển xe đến cơ quan đã cấp
giấy chứng nhận đăng ký xe thì tùy từng trường hợp mà vẫn có thể hoặc không phải
chịu trách nhiệm về hành chính, hình sự hay dân sự trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, theo
quy định Luật giao thông đường bộ 2006 và khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự về bồi
thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thì những phương tiện được liệt
kê tại Điều 1 thông tư 15/2014/TT-BCA là phương tiện giao thông vận tải cơ giới
và được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Tại khoản 2 Điều 623 mặc dù có quy định
về việc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra, nhưng đã loại trừ trường hợp nếu chủ sở hữu đã giao
cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường.
Thứ hai, trong
trường hợp chủ sở hữu có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu
hay sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, theo như phân tích ở trên thì cho dù chủ xe có
thông báo việc bán, cho tặng xe đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe
thì cũng không thể loại trừ ngay được việc chịu trách nhiệm về hình sự hay vấn
đề bồi thường trong dân sự khi chưa làm thủ tục đăng ký sang tên xe, hoặc nếu
chủ xe không có thông báo việc bán, cho tặng xe thì cũng không phải chịu trách
nhiệm về hình sự hay bồi thường về mặt dân sự nếu việc bán, cho tặng là có thật,
đúng theo quy định của pháp luật cho dù có đăng ký việc sang tên hay chưa. Có
chăng thì trường hợp chủ sở hữu xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi không
thực hiện việc thông báo tới cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký xe về việc mua
– bán, cho - tặng, hay điều chuyển xe. Đáng tiếc là cho đến nay chưa có văn bản nào quy định về việc xử phạt
hành chính về trường hợp này.
Có một thực tế hiện nay là rất nhiều trường hợp người dân
không tiến hành làm thủ tục đăng ký sang tên sau khi mua, bán hay được cho tặng.
Việc mua - bán, cho tặng trong những trường hợp này hầu hết được thực hiện qua
sự thỏa thuận giữa các bên thông qua hợp đồng bằng văn bản, thậm chí bằng miệng.
Để tránh những rắc rối về việc xác minh người chiếm hữu, sử dụng xe cũng như
xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật thì việc gửi thông
báo về việc mua – bán, cho – tặng, điều chuyển xe sẽ được coi như là một trong
những căn cứ có giá trị pháp lý mà chứng minh cho chủ sở hữu chiếc xe đã chuyển
nhượng hay giao xe của mình cho một người khác.
Vũ Quang Bá
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty TNHH Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét