Đằng sau quyết định của Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án "Thẩm mỹ viện Cát Tường"
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
Để
có thể truy tố một người nào đó về hành vi “xâm phạm thi thể” thì cần phải xác định rõ khách thể của tội phạm, tức
là chứng minh rằng hành vi của người phạm
tội đã xâm phạm đến thi thể của một người đã chết. Quay
trở lại với vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, có thể nhận thấy hiện nay xác nạn
nhân vẫn chưa được tìm thấy nên chưa thể khẳng định chắc chắn rằng nạn nhân đã
chết hay vẫn còn sống...
(Ảnh sưu tầm)
Ngày 14 tháng 4 năm 2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở
phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án “thẩm
mỹ viện Cát Tường”. Tại phiên tòa qua quá trình xét hỏi HĐXX đã ra quyết định
trả
hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề chuyên môn mà tòa
chưa xác định được.
Trong vụ án này, bên cạnh hai bị cáo
Nguyễn Mạnh Tường bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản
xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” (Điều 242 Bộ luật hình sự), bị cáo Đào
Quang Khánh bị truy tố về tội “Trộm cắp
tài sản” (Điều 138 Bộ luật hình sự),
thì cả hai bị cáo còn bị truy tố về tội “Xâm
phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự
năm 1999. Xung quanh vụ án này do hiện nay một số vấn đề chưa được làm rõ như
xác chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân)
chưa được tìm thấy, cũng như việc xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân
chưa được làm sáng tỏ. Nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố bị
cáo Tường, Khánh về tội danh theo quy định tại Điều 246 BLHS còn gây ra nhiều ý
kiến trái chiều. Căn cứ vào diễn biến vụ việc, cũng như kết quả tại phiên tòa
sơ thẩm ngày 14/4/2014 bài viết dưới đây tác giả sẽ đưa ra những quan điểm của
mình để luận giải cho quan điểm của Viện kiểm sát khi truy tố hai bị cáo về tội
danh trên có phù hợp hay không trong khi xác nạn nhân cũng như nguyên nhân cái
chết chưa được làm rõ?
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
đã được Bộ luật hình sự năm 1999 ghi nhận tại Điều 246, cụ thể:
“
Người nào…có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Theo như quy định trên ta có thể nhận
thấy khách thể của tội phạm này được pháp luật hình sự bảo vệ bao gồm thi thể, mồ mả và phần hài cốt của người đã chết. Do vậy, việc xác định
khách thể bị tội phạm xâm phạm đến trong tội này là yếu tố bắt buộc, bởi lẽ
khách thể của tội phạm được coi là một
trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm, là căn cứ để xác định hành vi của một người
có cấu thành tội phạm hay không. Vì vậy nếu trong giai đoạn điều tra, truy tố
hay xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được hành vi của một người thiếu
một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng không được
khởi tố vụ án hoặc nếu đã khởi tố vụ thì phải ra quyết định đình chỉ giải quyết
vụ án. Tại Điều 107 Bộ luật TTHS năm 2003 đã quy định về các căn cứ không được
khởi tố vụ án hình sự, trong đó tại khoản 2 điều này có quy định: “ Hành vi không cấu thành tội phạm”.
Chính vì vậy, để có thể truy tố một người nào đó về hành vi
“xâm phạm thi thể” thì cần phải xác định
rõ khách thể của tội phạm, tức là chứng
minh rằng hành vi của người phạm tội đã xâm phạm đến thi thể của một người đã
chết. Hiện nay về mặt pháp lý và mặt khoa học pháp y thì một người được coi
là đã chết sẽ được xác định theo hai cách:
Thứ nhất, xác định một người đã chết thông qua sự kiện “chết pháp lý”, tức là xác định theo những
trình tự, thủ tục và thông qua một quyết định tuyên bố một người được coi là đã
chết của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Trường hợp này đã được quy định cụ
thể trong Bộ luật dân sự năm 2005, theo đó Tòa án sẽ tuyên một người được coi
là đã chết khi có một trong những trường hợp được quy định tại Điều 81 theo yêu cầu của những người có
quyền, lợi ích liên quan.
Thứ hai, bên cạnh việc xác định một người được coi là đã chết thông
qua thủ tục pháp lý, hình thức “chết sinh học” cũng được xem là một
trong những cách thức để xác định một người được coi là đã chết. Chết sinh học
hiện nay thông thường sẽ được xác định thông qua xác định một người có các dấu
hiệu sau: Ngừng thở, tim ngừng đập và không nhận được mạch đập. Để đảm bảo sự
chính xác về mặt khoa học thì trong ngành y khoa người ta sẽ xác định một người
được coi là đã chết thông qua điện não đồ (EEG), tức là một người được coi là
chết não (não không còn hoạt động)
khi chỉ số đo điện não đồ là một đường đẳng điện. Một số nhà khoa học còn cho rằng xác định chết
não khi EEG là đường đẳng điện thì cũng chưa thực sự đủ, mà còn phải kèm theo
tiêu chuẩn về thời gian thường là 30 phút.
Quay trở lại với vụ án thẩm mỹ viện
Cát Tường, có thể nhận thấy hiện nay xác nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy nên
chưa thể khẳng định chắc chắn rằng nạn nhân đã chết hay vẫn còn sống. Việc xác
định nạn nhân chết hiện nay mới chỉ căn cứ vào quy trình tiến hành thẩm mỹ cho
nạn nhân cùng các lời khai của bị cáo và các nhân viên trong trung tâm thẩm mỹ.
Trong khi đó khai còn nhiều mâu thuẫn, những máy móc, thuốc dùng để tiến hành
thẩm mỹ cho chị Huyền vẫn chưa được thu thập. Chính vì vậy, mặc dù bị cáo có nhận
tội nhưng nếu lời nhận tội đó không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì
cũng không được coi là chứng cứ hay dùng đó để làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình
sự 2003 đã quy định rõ vấn đề này:
“Lời
nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với
các chứng cứ khác của vụ án.
Không
được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.”
Chính bởi lẽ đó nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội
truy tố hai bị cáo Tường và Khánh về tội “Xâm
phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” là chưa thật sự khách quan khi chưa chứng minh được tại thời điểm hai bị
cáo ném xác nạn nhân xuống sông Hồng thì nạn nhân đã chết hay còn sống, mà
mới chỉ dựa vào lời khai của hai bị cáo để đưa ra nhận định nạn nhân đã chết
trước khi bị ném xuống sông. Giả thiết rằng sau này tìm được xác hoặc xác định
được tại thời điểm nạn nhân bị ném xác xuống sông Hồng nạn nhân chưa chết thì tội
“Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” mà
Viện kiểm sát cáo buộc cho hai bị cáo là hoàn toàn không chính xác, mà hành vi
ném xác sẽ được coi là một trong những tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm
o khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự: “Có
hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.”. Do chưa
tìm thấy xác nạn nhân, nguyên nhân cái chết cũng chưa được làm rõ nên có lẽ Tòa
án nhân dân thành phố Hà Nội đang đi theo hướng chứng minh việc bị cáo Tường
gây ra cái chết cho chị Huyền thông qua lời khai của hai bị cáo và những người
làm chứng, đồng thời căn cứ vào quy trình làm thẩm mỹ cũng như những thuốc bị
cáo đã cho chị Huyền sử dụng khi làm thẩm mỹ có đúng quy trình mà Bộ y tế đã
quy định hay không? Cũng bởi lẽ đó nên tại phiên xét xử ngày 14/4 vừa qua HĐXX
chỉ tập trung xoay quanh quy trình tiến hành thẩm mỹ cho nạn nhân. Do vấn đề
này liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn và lời khai còn nhiều mâu thuẫn nên Tòa
đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề chuyên
môn mà Tòa chưa xác định được.
Có thể nói quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án
nhân dân thành phố Hà Nội là hoàn toàn chính xác khi cho đến nay xác nạn nhân
chưa được tìm thấy nên chưa thể đưa ra được kết luận khách quan nạn nhân đã chết
hay còn sống và nếu chết thì nguyên nhân chết là gì? Do đó, quyết định trả hồ
sơ điều tra bổ sung vừa nhằm củng cố thêm chứng cứ, xác định rõ lời khai của bị
cáo cũng như những người làm chứng để xác định rõ về việc chị Huyền đã chết, đồng
thời cũng hy vọng về việc tìm thấy xác của nạn nhân để có thể làm rõ được nạn
nhân đã chết, nguyên nhân cái chết cũng như thời điểm chết của nạn nhân để có
thể tuyên một bản án đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Vũ Quang Bá
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty TNHH Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét