Tiền phúng viếng có được coi là di sản thừa kế?
Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014
(Ảnh sưu tầm)
Người Việt có phong tục trong gia đình có người qua
đời thì bạn bè, người thân sẽ đến chia sẻ nỗi buồn cùng gia chủ, cùng là một
khoản tiền nho nhỏ để “phúng viếng”,
tỏ lòng tiếc thương đối với người đã khuất. Điều đáng nói ở đây là, đã có rất
nhiều tranh chấp xảy ra xung quanh việc ai sẽ là người có quyền sở hữu đối với
tài sản này? Hiện nay, trong giới luật học tồn tại nhiều quan điểm trái chiều
khi có người cho rằng số tiền đó là để “phúng
viếng” người đã mất, do vậy nó là tài sản của họ và phải được coi là di sản
thừa kế. Lại có quan điểm cho rằng tài sản đó xuất hiện sau “sự kiện chết”, do vậy không thể thuộc sở
hữu của người đó, nhưng chủ sở hữu thực sự ở đây là ai thì vẫn chưa có câu trả
lời. Bài viết dưới đây tôi xin đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự 2005 thì di sản thừa kế bao gồm tài sản
riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người
khác. Như vậy, nếu chứng minh được rằng số tiền “phúng viếng” kia thuộc về tài sản của người chết thì đương nhiên
nó sẽ được coi là di sản thừa kế. Điều này phải căn cứ vào các trường hợp xác lập
quyền sở hữu, mà căn cứ phù hợp nhất cho vấn đề này là việc xác lập quyền sở hữu
theo thỏa thuận theo quy định tại Điều
234 Bộ luật dân sự 2005:
“Người được giao
tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay có quyền sở hữu
tài sản đó…”
Những trường hợp xác lập quyền sở hữu mà Điều 234 kiệt
kê bên trên đều là các giao dịch dân sự, mà đã là giao dịch dân sự thì điều đầu
tiên cần phải xác định là có sự thỏa thuận giữa các bên về việc làm phát sinh,
thay đổi hay chấm quyền quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, ở đây phải cần có sự “thỏa thuận” giữa các bên về việc chuyển
quyền sở hữu. Sự thỏa thuận ở đây được hiểu là việc các bên có sự tự do về ý
chí, tự nguyện xác lập các quyền và nghĩa vụ của mình. Nhưng nếu một bên đã chết
thì hoàn toàn không thể có sự thỏa thuận để xác lập quyền tài sản của
mình được. Do vậy, việc xác lập quyền sở hữu thông qua sự thỏa thuận trong trường
hợp này sẽ hoàn toàn không thể thực hiện được trên thực tế.
Có quan điểm cho rằng việc người đến “phúng viếng” người chết được coi là trường
hợp tặng cho tài sản, nên tài sản đó được coi là tài sản của người chết và nó sẽ
là di sản thừa kế. Ở đây người đến “phúng
viếng” mặc dù trên thực tế đã tự nguyện trao tài sản của mình cho người chết,
tuy nhiên việc tặng cho này lại chỉ thể hiện ý chí của một bên (bên tặng cho) mà không hề không nhận được
sự đồng ý nhận của bên được tặng cho, hơn nữa theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự thì Hợp đồng tặng
cho chỉ có hiệu lực khi bên được tặng cho (tức
là người chết) nhận tài sản. Vậy nhưng người đã chết thì không thể bằng
hành vi của mình nhận tài sản được nữa, người nhận ở đây lại là gia đình của
người đã chết. Vậy nên, số tiền được giao không đúng với người được tặng cho
nên hợp đồng chưa thể có hiệu lực về mặt pháp lý. Như vậy, số tiền trên không
được coi là tài sản của người đã chết, đương nhiên nó càng không thể được coi
là di sản thừa kế được. Câu hỏi được đặt ra là số tiền đó sẽ thuộc về ai? Quay
trở lại với quy định của Bộ luật dân sự thì tại Điều 122 có quy định về các điều
kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong đó tại điểm a khoản 1 có quy định:
“1. Giao dịch
dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a)
Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;”
Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự ở
đây được hiểu là khi tham gia giao dịch chủ thể có khả năng bằng hành vi của
mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Một người đã chết thì hoàn toàn
không thể bằng hành vi của mình để xác lập việc nhận tài sản được tặng cho được.
Như vậy, điều kiện về chủ thể của giao dịch
dân sự đã không đáp ứng được nên đối chiếu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật
dân sự 2005 thì toàn hoàn có thể xác định giao dịch dân sự này là vô hiệu. Điều
127 đã quy định:
“Giao dịch dân
sự không có một trong các điều kiện
được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”.
Giao dịch dân sự này bị coi là vô hiệu nên sẽ không
làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm
xác lập. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự khi vô hiệu cũng đã được quy định
tại khoản 2 Điều 137 bộ luật dân sự, theo đó khi giao dịch dân sự vô hiệu thì
các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn
trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, nếu căn cứ theo quy định của
pháp luật thì số tiền trên các thành viên trong gia đình người chết phải hoàn
trả lại số tiền mà người đến phúng viếng đã đưa nếu người phúng viếng yêu cầu.
Nhưng việc tuyên bố giao dịch dân sự này là vô hiệu hay không thì chỉ được xác
định khi trong thời hạn hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập người
đã phúng viếng yêu cầu tòa án tuyên giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Trên thực tế, hiện nay chưa thấy có trường hợp nào
người đến phúng viếng yêu cầu tòa án tuyên giao dịch dân sự đó là vô hiêu để
đòi lại số tiền đã phúng viếng người chết. Bởi đây là hành vi được điều chỉnh bởi
quy tắc đạo đức, bằng phong tục tập quán chứ không phải pháp luật. Người Việt
có câu “Phép vua thua lệ làng.” Thiết
nghĩ, người phúng viếng muốn thông qua tài sản này để tỏ lòng thành của mình đối
với người đã khuất, chẳng có ai nghĩ tới chuyện đòi lại, càng không mong muốn
tài sản đó bị sử dụng sai mục đích. Biện pháp hợp tình hợp lý nhất không phải
tìm ra chủ sở hữu, mà nên sử dụng cho việc tang ma, hương hỏa cho người đã khuất.
Vũ Quang Bá
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty TNHH Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Tập sự hành nghề Luật sư
Công ty TNHH Luật Trung Nguyễn
Số 118, phố Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét