Kết hôn không đăng ký: Cạn tình là mất của
Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013
PNTĐ-Do quá tin tưởng vào lời hứa thủy chung của bạn đời, không ít chị em đã vi phạm quy định của Luật HN&GĐ, đến khi bị ruồng rẫy họ mới ân hận thì đã muộn.
Hết tình, mất của mới biết mình sai
Chị Phạm Thị Lương (SN 1970) và anh Trần Văn Hữu (SN 1969) là người cùng quê ở quận Hà Đông, HN. Họ yêu nhau 3 năm, đến tháng 2/2003 thì tổ chức đám cưới. Khi ấy cơ ngơi nhà anh Hữu chỉ có căn nhà cấp 4 đơn sơ. Sinh hoạt của gia đình (mẹ chồng và vợ chồng chị) trông vào tiền công làm mộc của anh Hữu và thu nhập ít ỏi từ mảnh vườn trồng rau. Sau 5 năm chăm chỉ buôn bán (cá tôm, hoa quả…), chị đã giúp chồng thực hiện ước mơ xây căn nhà 2 tầng rưỡi chắc chắn.
Năm 2009, kinh tế khá vững, 2 cô con gái đã lên lớp 4, lớp 5, chị tự nguyện cáng đáng mọi việc để anh thôi làm ở xưởng mộc, dành thời gian cho công tác phường... Vậy mà, mới đây chị nghe tin anh cặp bồ với một người đàn bà trẻ đẹp (bỏ chồng, chưa có con) quê ở Hòa Bình. Vì chuyện này mà vợ chồng mâu thuẫn. Khuyên chồng không được, chị viết đơn tố cáo anh suy đồi đạo đức, gửi khắp các ban ngành đoàn thể. Chị còn phát tán bản hạch tội chồng ở chợ khiến anh không còn mặt mũi nào đứng trước bà con hàng phố. Muốn thoát khỏi chị, anh tuyên bố, “tôi với cô không có ĐKKH nên không phải là vợ chồng”. Có trong tay các bằng chứng chứng minh: đất đai do mẹ anh để lại; hóa đơn mua nguyên vật liệu xây nhà, mua xe máy… mang tên Trần Văn Hữu, anh dõng dạc tuyên bố: “Cô sẽ phải ra khỏi nhà này”.
Đến Báo PNTĐ, chị Lương khóc ròng: “Tôi đã đóng góp nhiều công sức vun đắp cơ ngơi nhà chồng, chẳng lẽ chỉ vì không ĐKKH mà phải ra đi với hai bàn tay trắng?”.
Chị Lã Hoàng Minh (SN 1971) quê ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh làm đám cưới với Lưu Văn Đê (SN 1953) quê ở tỉnh Hà Nam, (đã có vợ, 3 con và vừa ly dị) năm 2005. Trước khi đi lấy chồng, chị được cha mẹ cho 200m2 đất trong làng. Biết mình “lép vế” vì tuổi cao, lại không có tài sản, nên trước và sau khi cưới, ông Đê nhiều lần năn nỉ chị Minh ra UBND xã làm ĐKKH. Lần nào chị Minh cũng gạt đi với lý do nghe rất “tây” rằng, “thích thì ở với nhau, không thích thì đường ai nấy đi, giấy tờ không quan trọng”. Sau 8 năm chung sống, có với nhau một con gái, tình cảm giữa hai người phai nhạt dần.
Năm 2013, ông Đê nhận sổ hưu, đòi về quê khiến chị Minh tức giận. Đôi bên cãi vã suốt mấy tháng trời, sau đó ông đưa ra yêu sách: “Con cô đẻ thì cô nuôi. Cô phải đưa tôi 200 triệu đồng thì tôi mới cắt khẩu chuyển đi”. Chị không đồng ý chia tay thì ông bảo: “Cô có ĐKKH với tôi đâu mà đòi giữ người, giữ của?”. Trong thời gian chung sống, chị đã để ông Đê đứng tên trong giấy bán 200m2 đất bố mẹ cho. Trong hợp đồng chuyển nhượng căn hộ mới ở phố huyện (mua bằng tiền bán mảnh đất này) ông Đê cũng đứng tên mua. Chị cay đắng: “Có lẽ tôi phải chấp nhận mất tiền cho ông Đê vì không muốn bị ông ấy kéo vào vòng kiện tụng. Nếu ngày ấy tôi ĐKKH thì nay đã nắm chắc trong tay quyền sở hữu một nửa căn hộ đó”.
Đám cưới chỉ là nghi lễ truyền thống
Luật sư Phạm Thị Hồng Mây, thuộc Công ty Luật Trung Nguyễn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Điều 11, Luật HN&GĐ năm 2000: mọi nghi thức kết hôn không tuân thủ nghi thức “hai bên nam nữ được đại diện cơ quan ĐKKH trao giấy ĐKKH”, thì đều không có giá trị pháp lý và không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Chị Lương – anh Hữu; chị Minh – ông Đê và những người cùng cảnh làm đám cưới vào thời điểm Luật HN&GĐ năm 2000 đã có hiệu lực.
Theo quy định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003, họ có nghĩa vụ phải làm thủ tục ĐKKH. Sau thời hạn đó mà vẫn không ĐKKH, thì nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết, tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Về việc phân chia tài sản, nếu là vợ chồng hợp pháp thì: “Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi… Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”; quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ luôn được ưu tiên bảo vệ (Điều 95 – Luật HN&GĐ). Khi không được công nhận là vợ chồng thì: “Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa giải quyết” (Điều 17 – Luật HN&GĐ).
Căn cứ để Tòa ra phán quyết là chứng cứ các bên đưa ra để chứng minh đâu là phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Đa số chị em không làm rõ được công sức đóng góp trong quá trình tạo lập khối tài sản chung, cũng như không chứng minh được nguồn gốc tài sản do người chồng đứng tên giao dịch là từ vốn riêng của mình. Vì vậy, trong cuộc chia tay của các cặp vợ chồng không hôn thú, chị em luôn là người phải chịu nhiều khổ đau, thua thiệt.
Theo "Báo Phụ nữ thủ đô"
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét