Cần bảo vệ những phụ nữ trẻ bị chồng “bắt” con
Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013
PNTĐ-Báo PNTĐ nhận được đơn cầu cứu của những người mẹ trẻ - nạn nhân bạo lực gia đình nhờ “đòi lại con thơ”. Các cháu bị chính cha đẻ của mình buộc phải rời xa mẹ.
Đau lòng chuyện những ông bố “bắt” con
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, năm 2007 chị Ngô Thị Kim (SN 1981, quê Thanh Hóa) mở phòng khám nha khoa tại Phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, HN rồi kết hôn với anh Hoàng ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Chị kể, lúc gặp nhau, anh ấy tự giới thiệu đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế, nhưng thật ra chỉ là người bán hàng đa cấp. Lấy nhau được mấy tháng chị nhận thấy, Hoàng chỉ coi vợ như “cỗ máy kiếm tiền”. Khi có thai 12 tuần, chị ly thân rồi nộp đơn ly dị. “Tức giận, Hoàng và gia đình đã chửi rủa, đe dọa, kéo “đầu gấu” đến đập phá phòng khám, đánh nhân viên, phao tin tôi giả mạo bằng cấp, bày trò để cướp tiền của nhà chồng… Đỉnh điểm là 6h sáng ngày 5/6/2011, Hoàng đến phòng khám đem con đi. Lúc đó cháu mới 8 tháng tuổi”, chị Kim cho biết.
Những lá đơn cầu cứu của các bà mẹ bị bắt con gửi đến Báo PNTĐ |
Chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1982) quê gốc ở Đà Nẵng, theo cha ra Hà Nội lập nghiệp. Vừa rời giảng đường ĐH Giao thông vận tải, chị dự tuyển vào một công ty viễn thông. Tại phiên tuyển dụng, chị gặp anh Quang (cùng tuổi, nhà ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) rồi hai người nên vợ, nên chồng. Về làm dâu trong một gia đình đông người, phức tạp, cộng với sự khác biệt về văn hóa, lối sống giữa hai vợ chồng và cách ứng xử vô trách nhiệm của Quang làm chị nghẹt thở. Sau hai năm chung sống, chị đề nghị ly thân. Không ngờ cô em chồng đặt máy ghi âm nghe lén rồi mách với bố mẹ “chị dâu không coi gia đình ta ra gì”. Bị cả nhà xúm vào xua đuổi, chị phải thuê nhà ở riêng, định mang theo cô con gái 1 tuổi nhưng anh Quang quyết giằng đứa trẻ khỏi vòng tay mẹ.
Bà Nguyễn Thị Dụ (SN 1961) ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, gửi đơn đến Báo PNTĐ trình bày, gia đình bà rất nghèo. Bà có hai con một trai, một gái. Con gái của bà là Trần Thị Minh (SN 1988), chưa học hết phổ thông đã vướng vào chuyện yêu đương với một anh chàng nghiện, nhà ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Khi con gái bà có thai, chàng nghiện và gia đình anh ta miễn cưỡng làm đám cưới. Con gái bà không có công ăn việc làm, con rể thì chỉ lo xoay tiền hút hít. Nhà chồng đã nghèo nay càng bí bách vì phải “nuôi báo cô” con gái bà. Vậy là những cuộc cãi vã thường xuyên xảy ra. Minh vừa sinh con trai đã bị bố mẹ chồng đuổi về bên ngoại, giữ lại cháu. Chồng chị cũng bỏ nhà sống bụi đời theo bạn nghiện…
Kẽ hở của pháp luật, trẻ em chịu thiệt thòi
Sau khi bị chồng “bắt” con, những người mẹ trẻ đã trải qua những tháng ngày đau khổ. Chị Kim tâm sự, “tôi rơi vào tình trạng hoảng loạn, mất ngủ triền miên. Trời vừa sáng tôi đã lao đi tìm con. Nhà chồng khóa cổng không cho vào, tôi đứng dưới trời nắng chang chang vừa khóc vừa ngóng”. Chị Ngân cũng ở trong tình cảnh tương tự - “hễ thấy tôi đến là họ (phía nhà chồng) đóng cửa. Lần nào họ cũng nói “cô về đi, giờ này không thăm con được” rồi chửi bới, lăng mạ tôi rất thậm tệ”, chị kể.
Không thể “tự hòa giải”, các chị kêu đến chính quyền địa phương, nhưng cán bộ xã, phường cũng chỉ có thể dừng lại ở mức thuyết phục các ông bố - khi họ bất hợp tác thì chính quyền đành bó tay, còn các chị phải đợi ngày tòa xử. Lúc này, chỉ có những đứa con là chịu thiệt thòi. Như trường hợp của chị Kim, cho đến ngày chị được xử ly hôn và đòi được quyền nuôi con thì đã mất sữa vì lâu không cho con bú. Ôm con trên tay mà chị chỉ còn biết khóc ròng. Hay như chị Minh, đến lúc này vẫn chưa gặp được chồng để đối thoại. Con vẫn được bà nội nuôi bằng sữa hộp. Còn trường hợp của chị Ngân, dù đã được tòa xử ly hôn và được quyền nuôi con, chồng chị, vẫn nhất quyết không chịu trả con cho mẹ, hai mẹ con đã xa nhau, từ tháng 11/2012 đến nay đã tròn 4 tháng.
Theo luật gia Nguyễn Thanh Hải – Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn cho biết: kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân gia đình là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những vụ việc đau lòng như trên. Trong khi Bộ luật Hình sự (Điều 61) quy định, phụ nữ bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi”, thì những luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em lại mới chỉ dừng ở… nguyên tắc chung: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên” - Luật Hôn nhân và Gia đình; “Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ” - Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, mà chưa có chế tài xử lý người vi phạm.
Hiện nay, Hội đồng thẩm phán – TANDTC đã có quy định rất cụ thể tại Nghị quyết 02: khi ly hôn nếu vợ chồng không thỏa thuận được, thì tòa án quyết định “về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ”. Nếu trong thời gian tới, nội dung này được bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì người mẹ sẽ được đảm bảo quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới ba sáu tháng tuổi ngay cả trong thời kỳ “tiền ly hôn”. Đó là công cụ pháp lý hữu hiệu để cơ quan chức năng xử lý những người cha nhẫn tâm buộc con thơ phải dứt khỏi bầu sữa mẹ . Luật gia Nguyễn Thanh Hải - Công ty Luật Trung Nguyễn |
Nguồn "Báo Phụ nữ thủ đô"
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét