Bà Sáng có cơ hội tiếp tục hành trình đòi lại gia sản
Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013
PNTĐ-Năm 2012, Bà Sáng và một số các bác đã nhiều lần đến Báo PNTĐ bày tỏ nỗi bức xúc về sự “ách tắc” thủ tục pháp lý trong quá trình khởi kiện đòi gia sản.
Theo trình bày của bà Phạm Thị Sáng (SN 1932), trú tại 8b, phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, HN và những người cùng cảnh, từ những năm 1940 - 1950, ông cha họ đã cho người quen ở nhờ tại nhà mình. Khi người “cho mượn” và người “mượn” qua đời, con cháu người ở nhờ kiên quyết không trả lại nhà. Phía “cho mượn” đứng nguyên đơn khởi kiện đòi tài sản. Tòa đã xét xử nhiều lần, hết Sơ thẩm, đến Phúc thẩm rồi lại được xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm. Bản án nào cũng xác nhận diện tích nhà phía bị đơn đang ở là của ông cha phía nguyên đơn. Vài bản án đã tuyên “Chấp nhận yêu cầu đòi nhà cho ở nhờ” của nguyên đơn. Nhưng, tại bản án Phúc thẩm sau cùng – thực hiện theo định hướng của Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa Dân sự - TANDTC, thì phía “ở nhờ” lại được “tiếp tục quản lý” căn nhà.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung, giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Thực tiễn công tác Giám đốc thẩm của TANDTC đã phát hiện một số Quyết định Giám đốc thẩm, Tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) có sai lầm nghiêm trọng, nhưng pháp luật tố tụng hiện hành chưa quy định về vấn đề xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC. Vì thế mà nguyện vọng của các đương sự muốn vụ án tiếp tục được xem xét rất khó khả thi.
Mặt khác, khoản 1 điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân chỉ quy định, HĐTP TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm, chứ không quy định Quyết định của HĐTP TANDTC là quyết định cuối cùng, do vậy cần thiết phải có cơ chế đặc biệt khắc phục bất cập nêu trên. Và, một trong những nội dung mới rất quan trọng đã được bổ sung trong BLTTDS 2011, đó là chương XIXa - quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC. So với BLTTDS 2004, BLTTDS 2011 được bổ sung vấn đề này đã trở nên sát với đời sống xã hội hơn, vì nó mở ra cơ hội mới cho những người có mong muốn tiếp tục cuộc hành trình đòi gia sản.
Cụ thể: “Điều 310a. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” và “Điều 310b. Thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”. Theo đó, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu đương sự phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án, thì cần: đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm để xét lại bản án, quyết định đó theo thủ tục Giám đốc thẩm.
BLTTDS 2011 cũng quy định “Khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng… nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì HĐTP TANDTC xem xét lại quyết định đó”. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị của các cá nhân hoặc cơ quan nêu trên, Chánh án TANDTC có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, báo cáo HĐTP TANDTC xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Một số đương sự cho biết, sau khi bản án sau cùng được tuyên, đơn của họ gửi đi chưa nhận được hồi âm. Bà Sáng may mắn hơn vì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP QH) khóa XII đã có văn bản đề nghị cơ quan có trách nhiệm báo cáo kết quả xử lý đơn khiếu nại của bà; Thường trực UBTP QH đã đề nghị TANDTC, VKSNDTC tiếp tục phối hợp và có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết dứt điểm sự việc.
Từ thực tế nêu trên và qua đối chiếu với những điểm mới được quy định trong BLTTDS 2011, nhận thấy TANDTC và VKSNDTC đã chậm trễ khi thực hiện nhiệm vụ thông báo kết quả giải quyết đơn khiếu nại của công dân tới UBTP QH, khiến đương sự phải chờ đợi quá lâu cơ hội có thể đòi lại được tài sản thừa kế của mình. Đề nghị TANDTC và VKSNDTC sớm xem xét vấn đề này để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Nguồn "Báo Phụ nữ thủ đô"
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét