Kiến nghị bãi bỏ thủ tục “Thông báo có quốc tịch nước ngoài”
Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012
(PL&XH) - Để đảm bảo cải cách TTHC nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết các công việc hành chính thì yêu cầu công dân phải gửi Thông báo có quốc tịch nước ngoài là không hợp lý và không cần thiết.
Theo quy định tại các điều 21 - khoản 2,3 của Nghị định 78/2009/NĐ - CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Điều 11 - Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP - BNG - BCA ngày 1/3/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ - CP. Kể từ ngày 01/7/2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài phải thông báo cho Sở Tư pháp (nơi cư trú) hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu ở ngoài nước) biết việc họ có quốc tịch nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn |
Được sự phân công của Liên đoàn luật sư Việt Nam về rà soát thủ tục hành chính (“TTHC”) trong lĩnh vực Quốc tịch, qua nghiên cứu các quy định của pháp luật cũng như tình hình thực tiễn, luật sư Nguyễn Tiến Trung (VPLS Bình An - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đã kiến nghị bãi bỏ thủ tục “Thông báo có quốc tịch nước ngoài”. Cụ thể:
Theo quy định của pháp luật, khi công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam phải gửi Thông báo về việc có quốc tịch nước ngoài tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, việc công dân có thực hiện gửi Thông báo có quốc tịch nước ngoài hay không đều không dẫn tới việc mất, hạn chế hay ảnh hưởng đến quốc tịch Việt Nam của họ. Trên thực tế, việc công dân vẫn còn quốc tịch Việt Nam khi đã được nhập quốc tịch nước ngoài là do nước mà công dân định cư công nhận 2 quốc tịch hoặc chấp nhận 2 quốc tịch trên thực tế. Mặt khác, theo quy định tại Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch hoặc không xin thôi quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên vẫn là người có quốc tịch Việt Nam.
Việc quy định công dân phải gửi Thông báo khi có quốc tịch nước ngoài chỉ nhằm mục đích giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát/thống kê số lượng người Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài chứ không xuất phát từ nhu cầu của công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài. Do vậy, để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết các công việc hành chính thì yêu cầu công dân phải gửi Thông báo có quốc tịch nước ngoài là không hợp lý và không cần thiết.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét